Alo V9 (3/10/2024): Vẫn còn nhiều trung gian mua bán tôm hùm đang bị thương lái nợ tiền

 
Alo V9 (3/10/2024): Vẫn còn nhiều trung gian mua bán tôm hùm đang bị thương lái nợ tiền

VTV9.vtv.vn - Như đường dây nóng Alo V9 đã đưa tin, một người bán tôm hùm tại tỉnh Khánh Hòa đã giành phần thắng trong vụ kiện "thương lái không trả tiền mua tôm." Người thắng kiện là bà Lê Thị Đảm, trung gian trong chuỗi mua bán tôm hùm tại vùng nuôi Cam Ranh, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Tòa án nhân dân TP. Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh đã tuyên buộc bà Lưu Thị Thủy, một thương lái mua tôm hùm phải trả lại 38,5 tỉ đồng tiền tôm cho bà Đảm. Bà Đảm là trung gian thu mua tôm hùm của người dân tại TP Cam Ranh và bán lại cho bà Thủy để xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc.

aloV9-0310-3 Lê Thị Đảm.jpg
Bà Lê Thị Đảm, thành phố Cam Ranh, Khánh Hòa

Đây cũng là số tiền bà Đảm đang còn nợ người dân nuôi tôm hùm tại Cam Ranh. Do đó, bà Đảm mong muốn bản án sớm được thi hành để có thể trả nợ cho người dân nuôi tôm hùm. 

Theo phản ánh của người dân tới đường dây nóng Alo V9, hiện nay tại thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, vẫn còn nhiều trung gian mua bán tôm hùm đang bị thương lái nợ tiền với tổng số tiền lên đến hàng trăm tỉ đồng. Điều này đã gây khó khăn lớn cho người dân tại vùng nuôi tôm.

Vụ kiện vừa qua cho thấy sự thiếu chặt chẽ về mặt pháp lý trong việc mua bán tôm hùm tại Khánh Hòa. Vậy làm sao để giảm thiểu rủi ro nợ dây chuyền này? Phóng viên đường dây nóng Alo V9 đã vào cuộc để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này. 

Việc mua bán tôm hùm tại các vùng biển Khánh Hòa lâu nay diễn ra theo hình thức bán dây chuyền giữa người nuôi, trung gian rồi đến thương lái với số tiền lên đến vài chục đến vài trăm tỉ đồng. Nhưng trong mua bán tôm hùm lại không hề có hợp đồng giao dịch mua bán mà chỉ thể hiện bằng những tờ giấy thiếu giá trị pháp lý.

aloV9-0310-5 LS Nguyễn Tường Linh.jpg
Luật sư Nguyễn Tường Linh

Luật sư Nguyễn Tường Linh, Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa: “Cần chặt chẽ hơn trong khâu mua bán như: hợp đồng, chứng từ thanh toán, công nợ…vì nếu không sẽ rất khó khăn khi có tranh chấp”

Với sản lượng 3.000 tấn tôm hùm mỗi năm thì 90% sản lượng xuất bán sang Trung Quốc với nhiều rủi ro từ giá cả đến nguy cơ bùng nợ. Thay đổi theo hướng chuyên nghiệp từ cách nuôi đến cách đưa thủy sản ra thị trường mới tránh những rủi ro chực chờ do nợ dây chuyền.

Đường dây nóng Alo V9 thời gian qua cũng nhận được phản ánh của người dân qua số điện thoại của chương trình 0389 247.247.

Share:

Cùng chuyên mục

Thời sự: Toàn cảnh 24h (18/10/2024)

Ngân hàng bơm vốn lãi suất thấp cho doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh TP. Hồ Chí Minh xây dựng đề án để phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối Gần 130 hộ có ...

 
 
 

Alo Doctor (18/10/2024)

Bệnh viện Nhi Đồng 2, TP. Hồ Chí Minh tăng tốc ghép tạng cứu người bệnh - Lần đầu tiên triển lãm AI về sức khỏe và phòng vệ HPV tại Việt Nam - Đình ch ...

 
 

Thời sự: Sáng Phương Nam (18/10/2024)

Thêm 1 trường hợp tử vong do sốt xuất huyết ở Daklak - TP. Hồ Chí Minh yêu cầu không cho xe lưu thông trong khu vực trường học - Xe giường nằm cháy tr ...