Đưa kỹ thuật - tạo sinh kế mới cho đồng bào thiểu số

 
Đưa kỹ thuật - tạo sinh kế mới cho đồng bào thiểu số

VTV9.vtv.vn - Những khu đất bỏ hoang, giờ lại là nơi mang lại thu nhập đáng kể cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Thay đổi bắt đầu từ khi cùng với công trình thủy lợi được Nhà nước đầu tư, người dân lại được hỗ trợ kỹ thuật theo những cách làm phù hợp.

Nhờ đó, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã mạnh dạn thay đổi canh tác, tự tạo ra sinh kế mới, thay đổi cuộc sống của chính mình. Câu chuyện tại tỉnh Ninh Thuận.

Không tốn dầu, cũng không tốn điện, cũng không cần máy bơm. Chỉ cần mở van, nước đã theo đường ống, tưới khắp vườn. Điều tưởng như khó tin nhưng lại là thực tế tại những khu đất canh tác thụ hưởng nguồn nước từ Tân Mỹ -  công trình thủy lợi quan trọng bậc nhất ở tỉnh Ninh Thuận, tưới trực tiếp khoảng 7500 ha đất canh tác. 

Vậy là đồng bào Raglai, đồng bào Nùng tìm mọi cách để đất không còn bỏ hoang như trước.
Ngay lúc người dân đang rất cần chuyển đổi canh tác, các nhà khoa học ở Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố đã có mặt.

tc24h-0711-20 Nguyexn Van Chính.jpg
Ông Nguyễn Văn Chính - Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố

Ông Nguyễn Văn Chính, Viện Nghiên cứu Bông và Phát triển nông nghiệp Nha Hố: “Hệ thống thủy lợi Tân Mỹ có nước nên vấn đề đặt ra là chúng ta xây dựng mô hình hiệu quả kinh tế cho bà con học theo, làm theo”.

Bắt đầu từ những mô hình trình diễn, các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nhìn thấy và từ đó làm theo. Một trong các mô hình là trồng táo bởi đây là cây trồng gắn với đặc thù Ninh Thuận. 

Giống táo mới đưa đến cho người dân. Trồng như thế nào? Cắt tỉa ra sao để có nhiều trái? Cách nào để trái táo không bị hư giữa mùa mưa? Từng chuyện cụ thể như vậy, các nhà khoa học hướng dẫn hộ dân theo kiểu cầm tay chỉ việc. Cũng vì vậy mà anh Bẩu mạnh dạn biến 2 sào đất hoang thành vườn táo từ cách đây 1 năm.

Anh Chướng Xay Bẩu, Xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận: “Mới làm cũng bỡ ngỡ nhưng nhờ mấy anh bên Viện Nha Hố xuống bày”.

27 hộ gia đình tham gia mô hình. Và cứ mỗi mô hình lại có khoảng 50 hộ gia đình khác đến học hỏi, làm theo. Bây giờ, nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở Ninh Thuận cũng đã rành rẽ chuyện trồng táo sao cho sản phẩm làm ra được thị trường tiếp nhận. Những vườn táo ở đây cho thu hoạch 50 tấn/ha/năm - cao hơn cả chục tấn so với năng suất bình quân ở vùng táo Ninh Thuận. 

tc24h-0711-20 3.jpg
Các hộ đồng bào dân tộc thiểu số được hướng dẫn mô hình trồng táo 

Ông Mang Hồng Thái, Xã Mỹ Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận: “Làm táo 2 sào cũng được 10 tấn, nếu thu hết thì nhiều hơn, làm ăn cũng được”.

Ở vùng đất khô khát Ninh Thuận, trước đây người dân bấp bênh theo những vụ sản xuất dựa vào nước trời. Bây giờ, cùng với công trình thủy lợi, họ được tiếp cận kỹ thuật mới để làm ra nông sản có giá trị. Vườn táo cho thu hoạch. Giống táo mới ngọt và giòn, hơn nữa lại có được kỹ thuật canh tác an toàn. Trái táo hái xuống có thể ăn ngay tại vườn. Sinh kế mới cũng nhờ vậy mà bền vững.

 
Share:

Cùng chuyên mục