Thận trọng đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn

 
Thận trọng đào tạo lĩnh vực vi mạch bán dẫn

VTV9.vtv.vn - Dự kiến đến năm 2030, Việt Nam cần khoảng 50 ngàn kỹ sư vi mạch, nghĩa là từ giờ tới đó, mỗi năm cần bổ sung khoảng 10 ngàn kỹ sư. Như vậy, nhu cầu thị trường lao động cao, cộng với chính sách, chiến lược về đột phá phát triển khoa học công nghệ, chuyển đổi số từ Nghị quyết 57 đã tạo ra cơ hội lớn trong đào tạo lĩnh vực này.

Thế nhưng, thực tế thì không phải trường đại học nào cũng mạnh dạn mở rộng đào tạo. Vì dù tiềm năng lớn, "vi mạch" vẫn là ngành khó, đòi hỏi hạ tầng kỹ thuật hiện đại, đội ngũ giảng viên chuyên sâu và chiến lược đào tạo bài bản... để tránh tình trạng "nóng đầu vào, lạnh đầu ra." 

Mặc dù đã được Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh đầu tư phòng thí nghiệm mới về công nghệ bán dẫn thế nhưng năm 2025 này, trường Đại học Công nghệ thông tin TP Hồ Chí Minh vẫn quyết định giữ nguyên chỉ tiêu tuyển sinh chuyên ngành thiết kế vi mạch như năm trước, thay vì tăng 10% như kế hoạch đề ra. Trước đó, năm 2024, nhà trường đã điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh từ 150 sinh viên xuống còn 100 em.

 

Tiến sĩ Nguyễn Minh Sơn, Trường Đại học Công nghệ thông tin TP. Hồ Chí Minh: “Thật sự sinh viên đăng ký đông nhưng với quy mô lực lượng giảng dạy, trang thiết bị hạ tầng hiện có nhà trường quyết định tuyển 100 sinh viên thôi”.

GS. TS Nguyễn Thị Thanh Mai, Phó Giám đốc Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh: “Chúng ta đang thiếu lực lượng giảng viên có kinh nghiệm về đào tạo cũng như là nghiên cứu về lĩnh vực này và thứ hai là chi phí đầu tư cho các phòng thí nghiệm, cơ sở vật chất rất là cao đó, ngay cả phần mềm thiết kế cũng như vậy rất là tốn kém, cho nên rất là khó. Ngay cả Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh cũng gặp cái khó khăn trong cái việc này.”

Có một thực tế, phần lớn các doanh nghiệp về vi mạch bán dẫn tại TP Hồ Chí Minh và cả Việt Nam là doanh nghiệp FDI. Mà nhu cầu nhân lực của các doanh nghiệp này phụ thuộc vào tình hình kinh tế và sức khỏe tài chính. Vì thế dù nhu cầu nhân lực vi mạch bán dẫn mỗi năm tăng 15 - 20%, nhưng các trường vẫn rất thận trọng trong đào tạo lẫn mở rộng quy mô đào tạo.

TC24h-1902-21 lê đức hùng.jpg
PGS. TS Lê Đức Hùng - Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh

PGS. TS Lê Đức Hùng, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên TP. Hồ Chí Minh: “Một số trường cũng hơi thận trọng, bởi vì có thể là sẽ nóng đầu vào nhưng mà lại lạnh đầu ra bởi vì chúng ta chưa có các doanh nghiệp trong nước và liên quan tới cái lĩnh vực này mà chủ yếu phụ thuộc vào các doanh nghiệp ở nước ngoài. Nên là nếu như sức khỏe của các doanh nghiệp loại đó có sự thay đổi thì dẫn tới là nguồn nhân lực cũng có thể là có một cái sự biến động”.

Thay vì mở rộng quy mô số lượng, giải quyết con số thiếu hụt nguồn nhân lực, năm 2025 chứng kiến sự chuyển hướng của nhiều trường đại học theo hướng nâng cao chất lượng đào tạo. Sự thay đổi này giúp ngành đào tạo vi mạch bán dẫn tại Việt Nam phát triển theo hướng bài bản, bền vững hơn. Để câu chuyện nhân lực ngành điện hạt nhân của 20 năm trước không lặp lại với ngành vi mạch bán dẫn.

 


 

Share:

Cùng chuyên mục

Tăng cường kiểm tra thực phẩm xuất khẩu

Khẩn trương chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm xuất khẩu đáp ứng đầy đủ các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, ...