Hiểu đúng về xã hội hóa trong giáo dục

 
Hiểu đúng về xã hội hóa trong giáo dục

VTV9.vtv.vn - Mới đây, một hiệu trường tại Hòa Bình vừa bị khởi tố vì tội lạm thu. Lạm thu cũng là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất mỗi khi bắt đầu năm học mới và luôn được gắn chung với xã hội hóa giáo dục. Vậy xã hội hóa giáo dục thực chất là gì? Làm thế nào để đưa chủ trương đúng đắn này về đúng ý nghĩa của nó?

Theo Luật Giáo dục Việt Nam sửa đổi năm 2019, xã hội hóa giáo dục là quá trình huy động sự tham gia của toàn xã hội từ: tài chính, trí tuệ, công sức vào công tác giáo dục. 

 

Bếp ăn tập thể này là công trình xã hội hóa do phụ huynh trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu đóng góp. Từ khi có bếp ăn, bữa trưa bán trú của các con không chỉ thơm ngon hơn mà lúc nào cũng nóng sốt. Tại trường tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, 90% công trình phục vụ cho học sinh tại trường là nguồn xã hội hóa.

Cô giáo Trần Thị Thu Lành, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Đình Chiểu, quận Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh: “Để phụ huynh tạo lòng tin nhà trường, nhà trường phải xuất phát từ thực tiễn, đưa ra giải pháp, kế hoạch đúng đắn”.

Tùy vào điều kiện mỗi trường mà nhu cầu xã hội hóa khác nhau. Tuy nhiên, cách thức tiếp nhận tài trợ chỉ có một và đã được quy định rõ theo thông tư 16 của Bộ Giáo dục Đào tạo. Vì thế theo nhiều chuyên gia, không có chuyện làm sai vì hiểu chưa đúng quy định. Chưa kể, một số đơn vị còn thực hiện xã hội hóa theo kiểu cào bằng, bổ đều, trong khi mỗi phụ huynh có điều kiện khác nhau.

Ông  Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Khương Ninh, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh: “Một số phụ huynh quá nhiệt tình lại muốn mọi người tham gia như họ. Xã hội hóa phải trên tinh thần tự nguyện”.  

Xã hội hóa giáo dục là cần thiết, nhất là khi nguồn ngân sách nhà nước còn hạn hẹp. Làm thế nào để xã hội hóa không bị biến tướng khi 25% tổng vốn đầu tư cho giáo dục công lập hiện nay tại TP. Hồ Chí Minh là từ nguồn này? Câu trả lời theo ông Nguyễn Văn Ngai - Nguyên Phó Giám đốc sở Giáo dục Đào tạo Thành phố nằm ở vai trò của người đứng đầu.

Ông Nguyễn Văn Ngai, Nguyên Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Tp. Hồ Chí Minh: “Ngay đầu năm học, khi họp phụ huynh học sinh thì từng lớp và nhà trường cũng phải thông tin đến phụ huynh về trọng tâm năm học này. Nhà trường chỉ đạo vấn đề gì cần phải lưu tâm và ở trường thì trên cơ sở chỉ đạo này có những hoạt động, những việc làm cụ thể nào mà cần có sự phối hợp…”

Ranh giới giữa xã hội hóa và kinh tế hóa rất mong manh. Để con đường đến trường của học sinh, phụ huynh và cả thầy cô không còn nặng gánh 2 chữ lạm thu nhân danh xã hội hóa giáo dục, ngoài sự minh bạch, trong lộ trình thực hiện xã hội hóa, nhà trường cần lấy danh dự, tự trọng và sự thấu cảm với phụ huynh làm nguồn lực phát triển.

 

Share:

Cùng chuyên mục

Nga: Bảo tồn các làng nghề truyền thống

Cấm vận, biến động thị trường, khách du lịch giảm, doanh số bán hàng giảm và số lượng thợ thủ công cũng giảm - các làng nghề thủ công truyền thống ở n ...