Vướng mắc trong xử lý sai phạm phân lô bán nền

 
Vướng mắc trong xử lý sai phạm phân lô bán nền

VTV9.vtv.vn - Hàng ngàn thửa đất đang trong tình trạng bị "bỏ hoang". Xây dựng công trình thì không được mà quay trở lại canh tác nông nghiệp trên các thửa đất thì cũng không thể. Nghịch lý này đang là thực tế xảy ra ở nhiều địa phương, trong đó có tỉnh Khánh Hòa.

Các thửa đất này là hậu quả của phân lô bán nền trái phép dưới danh nghĩa hiến đất làm đường. Sai phạm đã được xử lý, nhưng để giải quyết rốt ráo những thửa đất sau khi chia tách, phân lô thì lại không dễ.

Nhiều người ví huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa là thủ phủ của phân lô bán nền. Từ năm 2018 đến giữa năm 2021, một cơn sốt đất càn quét vùng quê này. Khi đó, dưới danh nghĩa hiến đất làm đường, hàng loạt khu đất sản xuất nông nghiệp được phân lô, tách thửa rồi rao bán, làm nhiễu loạn  thị trường bất động sản. 

Theo kết quả kiểm tra, huyện Cam Lâm đã cho phép 114 khu vực hiến đất làm đường để tách thửa với tổng cộng 2.385 thửa đất. Nhiều cán bộ quản lý ở địa phương đã bị kỷ luật. 

Đối với những trường hợp hiến đất làm đường không phù hợp quy hoạch, tỉnh Khánh Hòa cho phép tồn tại các thửa đất theo mục đích trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, nhưng không cho phép xây dựng cho đến khi phù hợp với quy hoạch xây dựng và đáp ứng các điều kiện hạ tầng.

TC24H-0511-15 Phan Viet Hoàng.jpg
Ông Phan Việt Hoàng - Phó Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

Ông Phan Việt Hoàng, Phó Tổng Thư ký Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam: “Các cụm đất đang vướng, tạm thời không cấp phép xây dựng thì hầu như là do vướng về lập quy hoạch chung hoặc quy hoạch phân khu của địa phương”.

Đây cũng là lý do khiến cho từ năm 2022 đến nay, những khu đất phân lô bán nền luôn trong tình cảnh hoang vắng như thế này. Tấc đất tấc vàng. Vậy mà ở đây hàng ngàn thửa đất không được sử dụng.

Người dân huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa: “Bỏ như thế này, không còn trồng cây cối nên không có thu nhập. Bỏ ra tiền tỷ để mua đất mà không thu lại được, tất nhiên là thiệt thòi”.

Trước đây, khu vực này là đất nông nghiệp, mang lại sinh kế cho nhiều gia đình. Sau khi bán đất cho những người mua gom, các hộ nông dân lẽ đương nhiên không còn đất canh tác. Còn quỹ đất canh tác ngày trước trở thành những thửa đất rao bán trên thị trường bất động sản. Chỉ có điều, giờ thì không mấy ai tìm đến mua. 

Ông Phan Việt Hoàng: “Phải chờ đợi quy hoạch chung, quy hoạch phân khu, sau đó xem xét quỹ đất đó có thuộc diện cấp phép xây dựng trong tương lai hay không. Do đó không thể xử lý vội vấn đề này”.

Những thửa đất - sản phẩm từ việc hiến đất làm đường, phân lô bán nền trái phép. Lẽ đương nhiên, không thể hợp thức hóa sai phạm. Nhưng để định đoạt số phận của những thửa đất này thực sự là điều không dễ dàng đối với các cơ quan chức năng. Cũng vì vậy, hàng ngàn thửa đất vẫn trong tình trạng bỏ hoang. Nhiều người cho rằng, nếu như ngay từ đầu, không có sự buông lỏng quản lý, thậm chí cố tình tạo ra kẽ hở trong quản lý thì không có những sai phạm để rồi lúc này, khi xử lý thì gặp nhiều vướng mắc.

 
Share:

Cùng chuyên mục

Bẫy nợ mua sắm - PV chuyên gia

Mua sắm là nhu cầu cá nhân, nhưng khi trở thành nghiện thì lại là câu chuyện về chi tiêu mất kiểm soát và nguy cơ nảy sinh nhiều hệ lụy. Rõ ràng nhất ...

 

Độc đáo ẩm thực gà tre nướng đất sét

Cũng là lợi thế riêng, Bình Dương từ lâu nổi tiếng với những vườn trái cây trĩu quả và nét ẩm thực độc đáo, mang đậm dấu ấn vùng miền. Địa phương còn ...