Những mô hình Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

 
Những mô hình Cựu chiến binh làm kinh tế giỏi

VTV9.vtv.vn - Là người lính từng trải qua bao khó khăn gian khổ, nên khi trở về đời thường cuộc sống gặp phải những gian truân vẫn không làm khuất phục ý chí của nhiều Cựu chiến binh. Họ - những người lính năm xưa đã và đang phát triển các mô hình kinh tế, làm giàu cho gia đình. Đồng thời tích cực tham gia xóa đói giảm nghèo, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh. Ghi nhận tại TP. Hồ Chí Minh.

Năm 1987, sau hoàn thành nghĩa vụ, ông Trần Văn Giàu trở về địa phương sinh sống. Thời gian này, cuộc sống của gia đình ông gặp rất nhiều khó khăn. Từ hai bàn tay trắng ông đã mạnh dạn vay 5 triệu đồng để mở một quán nhỏ kinh doanh vài món hàng. Theo thời gian ông đã dành dụm tích luỹ thêm được nhiều vốn liếng và đã mở rộng quầy tạp hóa với hơn 100 mặt hàng như gạo, cám, bánh trái, mì gói, trứng... Doanh thu từ quầy tạp hóa mang lại cho gia đình ông mỗi năm 800 triệu đồng.

Ông Trần Văn Giàu, Cựu chiến binh, xã Nhuận Đức, TP. Hồ Chí Minh: “Mình tích lũy dần dần mình có tiền, mình lại nhà, xây lại nhà mình sắm xe để có xe vận chuyển hàng hóa cho người ta rồi mình lo con ăn học thành tài. Bên cạnh đó mình còn giúp đỡ vợ con của cựu chiến binh phụ bán quán hằng ngày”.

Bà Nguyễn Thị Hồng Hà, xã Nhuận Đức, TP. Hồ Chí Minh: “Ông Năm Giàu cũng tạo điều kiện cho tui có công ăn việc làm, hơn nữa tui cũng là vợ của cựu chiến binh thì tháng ổng trả tui 6 triệu thì cũng đỡ vất vả cho gia đình.”

Tham gia cách mạng từ năm 1969, rồi làm xã đội trưởng xã Tân An Hội, đến năm 2004, Ông Nguyễn Văn Bu nghỉ hưu. Tuy nhiên, với tinh thần bộ đội cụ Hồ, cần cù, chịu khó trong lao động sản xuất, ông đã vay vốn trồng 15ha cao su. Đến nay 15ha cao su đã mang lại lợi nhuận mỗi năm 700 triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Bu, Cựu chiến binh, xã Tân An Hội, TP. Hồ Chí Minh: "Bây giờ thì nhà cửa khang trang, đời sống khá hơn, ngoài chuyện đó ra tôi còn tạo điều kiện công ăn việc làm cho lao động ở địa phương từ 9-10 lao động. Và mỗi tháng tôi phải trả tiền công cho người lao động trên 100 triệu đồng.

Đại tá Khương Văn Thuấn, Ủy viên Ban thường vụ Hội Cựu chiến binh TP. Hồ Chí Minh: “Những cựu chiến binh như anh Ba Bu, anh Trần Văn Giàu khi rời quân ngũ về là phát triển kinh tế gia đình đã tạo ra nhiều công ăn việc làm và xây dựng gia đình kinh tế phát triển và từ đó giúp những cựu chiến binh và những con em cựu chiến binh có công ăn việc làm ổn định.”

Các cựu chiến binh không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn tích cực tham gia các công tác xã hội, giúp đỡ người nghèo. Đến nay, dù tuổi đã cao, nhưng các cựu chiến binh vẫn không ngừng nghỉ lao động, tiếp nối mạch nguồn truyền thống cao đẹp của Bộ đội Cụ Hồ, đóng góp sức mình cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, phẩm chất người lính "nói luôn đi đôi với làm" trong họ luôn được thể hiện.

 

Share:

Cùng chuyên mục

 
 
 

Chuyện chưa kể của một anh hùng

Những câu chuyện đặc biệt đằng sau chiến công hiển hách của những người lính cụ Hồ năm xưa vẫn luôn được nhắc nhớ đến ngày hôm nay, như một kí ức khôn ...

 

Để hút khách đến các phố kinh doanh

Có câu "Buôn có bạn, bán có phường". Những con phố buôn bán 1 loại mặt hàng chuyên biệt như ở TP. Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh không còn quá xa lạ. Tuy ...