Tràn lan hàng giả trên sàn thương mại điện tử

 
Tràn lan hàng giả trên sàn thương mại điện tử

VTV9.vtv.vn - Chỉ trong vài tháng đầu năm, hơn 34.000 vụ buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại đã bị xử lý. Mỹ phẩm, thực phẩm, đồ gia dụng… đều có thể bị làm giả, khiến người tiêu dùng khó phân biệt thật - giả, còn doanh nghiệp chân chính thì lao đao. Cuộc chiến chống hàng giả vì thế vẫn đầy gian nan và kéo dài. Nhất là trên sàn thương mại điện tử.

Trang thiết bị y tế này của Công ty dược phẩm GAC đã được Cục sở hữu trí tuệ cấp bản quyền năm 2020. Thế nhưng, trên các sàn thương mại điện tử hiện nay đang rao bán tràn lan sản phẩm hàng giả mang danh của doanh nghiệp, với giá bán rẻ chỉ bằng 1/3 so với  hàng thật. Doanh nghiệp đã nhiều lần tố cáo tới sàn thương mại điện tử nhưng vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Anh Nguyễn Tiến Thành - Giám đốc Công ty Dược phẩm GAC: “Sau khi tôi đưa ra tất cả các bằng chứng thì bên sàn  không xóa gian hàng đó đi, mà vẫn tiếp tục để cho họ thay đổi tên, sản phẩm, hình ảnh sản phẩm. Tất cả những lượt bán cũ vẫn còn giữ nguyên. Đấy là sự cạnh tranh không công bằng làm chúng tôi rất bức xúc”.

Theo các doanh nghiệp, quy trình kiểm duyệt hàng hóa trước khi đưa lên sàn của các sàn TMĐT hiện nay khá lỏng lẻo, chỉ mang tính hình thức, rất dễ bị lợi dụng để bán hàng lậu, hàng giả.

Phóng viên Huyền Châu - huyenchau @vtv.vn: “Trên tay tôi là 2 chai sữa tắm trẻ em, 1 hàng thật và 1 là hàng giả. Nhưng trông chúng giống nhau như đúc, người tiêu dùng khó mà phân biệt. Thậm chí, ngay cả nhà sản xuất cũng phải dùng tới các thiết bị soi chiếu mới phân biệt được”.

Doanh nghiệp vừa ra sản phẩm mới đã xuất hiện hàng giả trên sàn thương mại điện tử. Đại diện Tổ chức chống hàng giả React tại Việt Nam cho rằng một số quy định còn lạc hậu, thực thi chưa hiệu quả. Do đó, với sự quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ và Tổ công tác đặc biệt, doanh nghiệp kỳ vọng tình trạng này sẽ được xử lý triệt để.

Bà Vũ Thị Huyền - Đại diện pháp lý của Tổ chức Chống hàng giả React tại Việt Nam: “Chúng tôi tin rằng với sự chỉ đạo của Thủ tướng sẽ là động lực để các cơ quan thực thi cùng các chủ thể quyền cùng chung tay để dẫn đến môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng”.
       
Năm 2024, toàn ngành quản lý thị trường đã phát hiện trên 3.100 vụ việc vi phạm đến sở hữu trí tuệ trên thương mại điện tử, xử phạt 48 tỷ đồng. Nhiều ý kiến cho rằng con số này vẫn còn nhỏ, chưa xử lý được triệt để.
 

Share:

Cùng chuyên mục

 

Robot hình người thi đấu quyền anh

Tại Trung Quốc, một nhóm robot hình người đang trải qua quá trình huấn luyện khắc nghiệt và nâng cấp hệ thống toàn diện để chuẩn bị cho cuộc thi đấu q ...