TP. Hồ Chí Minh tăng cường hiệu quả của các tổ liên gia PCCC

 
TP. Hồ Chí Minh tăng cường hiệu quả của các tổ liên gia PCCC

VTV9.vtv.vn - Vụ hỏa hoạn đặc biệt nghiêm trọng tại cư xá Độc Lập, thêm lần nữa là hồi chuông cảnh báo về mức độ nguy hiểm của cháy nổ tại các khu dân cư đông đúc, đặt ra yêu cầu cấp thiết về việc siết chặt công tác phòng cháy, chữa cháy ngay từ mỗi hộ gia đình.

Đặc thù địa bàn rộng, đa dạng về mặt dân trí và có nhiều khu nhà ở, cư xá, chung cư cũ nằm trong những tuyến hẻm sâu, nhỏ… như TP. Hồ Chí Minh, ngoài việc thường xuyên "đi từng ngõ, gõ từng nhà" để tuyên truyền, nhắc nhở đề phòng cháy nổ của cơ quan chức năng thì các chủ hộ, người đứng đầu cơ sở mới thực sự là "nòng cốt" trong phòng chống giặc lửa, thoát hiểm và cứu nạn cứu hộ. Chỉ có sự cẩn trọng trong sử dụng nguồn điện, nguồn nhiệt, trang bị đầy đủ thiết bị cảnh báo, bình chữa cháy và mở lối thoát hiểm thứ 2 mới có thể phòng cháy và thoát nạn an toàn.

Thời gian qua, tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy và điểm chữa cháy công cộng đã phát huy hiệu quả. Nhiều vụ cháy đã được lực lượng tại chỗ ứng phó thành công. Sau vụ cháy tại cư xá Độc Lập, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được chỉ đạo Công an thành phố, các phường, xã tăng cường tuyên truyền, kiểm tra và tiếp tục lập thêm nhiều tổ liên gia phòng cháy chữa cháy.  

tc24h-0907-1.jpg
Thiếu tá Nguyễn Hữu Mạnh, Tổ trưởng tổ Cảnh sát trật tự, phường Cầu Ông Lãnh đang nhắc nhở, hướng dẫn người dân về phòng chống cháy nổ.

Ông Lê Văn Thắng, phường Cầu Ông Lãnh, TP. Hồ Chí Minh: "Khi có sự cố, chỉ cần một người bấm nút báo động thì toàn bộ các hộ liên kết đều nghe thấy tín hiệu. Hệ thống này rất hữu ích vì dù đang ở ngoài, người dân vẫn biết để chạy về hỗ trợ. Đây là mô hình cần được nhân rộng".

Ông Lê Minh Lộc, trưởng Khu phố 9, phường Cầu Ông Lãnh, TP. Hồ Chí Minh: "Mỗi tổ dân phố đều có đội chữa cháy tại chỗ với khoảng 10 thành viên. Hiện nay, 70-80% hộ dân trong khu vực đã được trang bị bình chữa cháy. Lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra các khu nhà trọ, khu dân cư, đặc biệt là các khu ổ chuột, nơi có nguy cơ cháy cao".

Riêng tại phường Cầu Ông Lãnh hiện có gần 130 tổ liên gia an toàn phòng cháy chữa cháy và gần 70 điểm chữa cháy công cộng đang hoạt động hiệu quả. Sau khi sáp nhập, địa bàn phường mở rộng nên yêu cầu về công tác phòng cháy chữa cháy càng đặt ra cao hơn.

Thiếu tá Nguyễn Hữu Mạnh, Tổ trưởng tổ Cảnh sát trật tự, phường Cầu Ông Lãnh, TP. Hồ Chí Minh: "Phường cũng tăng cường tuyên truyền qua nhiều kênh: phát tờ rơi, mạng xã hội, các nhóm Zalo khu phố… Nội dung tuyên truyền tập trung vào thói quen an toàn khi sử dụng điện, gas, thiết bị sạc, thờ cúng… đồng thời nâng cao khả năng tự thoát hiểm khi có sự cố, mở lối thoát nạn thứ hai".

Nghị định 105 đã chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Đây là điều kiện để các địa phương chủ động rà soát, điều tra cơ bản các loại hình cơ sở có nguy cơ cháy nổ cao, từ đó xây dựng phương án phòng ngừa phù hợp. Song, hiểm họa cháy nổ luôn rình rập và xảy ra bất cứ lúc nào. Một phút bất cẩn có thể đánh đổi bằng cả sinh mạng. Vì vậy, sự chủ động trong trang bị kiến thức, phương tiện chữa cháy và tinh thần cảnh giác mỗi ngày chính là tuyến phòng thủ hiệu quả nhất.

 
Share:

Cùng chuyên mục

Trầm cảm vì áp lực điểm số

Vừa qua, có một nữ sinh lớp 9 đã nhảy xuống sông tử tự, và không qua khỏi, khi biết mình không đậu vào ngôi trường yêu thích trong kỳ thi vào lớp 10. ...