Bài 1: Mạo danh nông sản Đà Lạt - vì sao khó ngăn chặn?

 

VTV9.vtv.vn - Nông sản gắn thương hiệu Đà Lạt được canh tác trên độ cao trung bình 1.000m đến 1.500m so với mực nước biển - đây là yếu tố tạo nên lợi thế so sánh đặc biệt về chất lượng và giá trị cao của vùng nông nghiệp TP Đà Lạt với các huyện phụ cận. Chính vì thế, nhắc tới các loại rau củ quả ngon là người tiêu dùng nhắc tới nông sản Đà Lạt.

Nhưng chính chất lượng vượt trội cũng là điều khiến nông sản Đà Lạt luôn bị mạo danh để dễ dàng tiêu thụ. Thực tế nhức nhối này đã kéo dài nhiều năm qua nhưng vẫn chưa thể xử lý triệt để. Hàng loạt mặt hàng nông sản từ nơi khác vẫn được các thương lái nhập về vùng rau Lâm Đồng, sau đó đưa đến tay người tiêu dùng dưới danh nghĩa nông sản Đà Lạt. Vì sao những vụ việc mạo danh nông sản Đà Lạt lại khó ngăn chặn đến như vậy? 

TC24h-0910-17 1.jpg
Đất đỏ Đà Lạt phủ lên khoai tây - Với chiêu thức này, khi đưa đến tay người tiêu dùng, ai cũng tin rằng đây là khoai tây Đà Lạt.

Người tiêu dùng cho biết: “Phân biệt rất khó, dân trong ngành thì biết cái nào xuất xứ Trung Quốc hay Việt Nam chứ mình là người bình thường, thấy đẹp, giá hợp lý thì mua”. 

Mùa mưa, Đà Lạt không trồng khoai tây. Đây cũng là lúc khoai tây Trung Quốc ồ ạt nhập vào Việt Nam. Điểm tập kết của các lô hàng khoai tây Trung Quốc là các vựa nông sản ở hai huyện Đức Trọng và Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng. Từ đây, khoai tây phân phối ra thị trường nên dễ lầm tưởng là khoai tây Đà Lạt. Sự mập mờ càng gia tăng khi các vựa luôn phủ đất Đà Lạt lên khoai tây Trung Quốc.

Chuyện phù phép khoai tây Trung Quốc thành khoai tây Đà Lạt xảy ra từ nhiều năm qua. Người tiêu dùng biết. Cơ quan quản lý cũng biết. Nhưng để phát hiện, xử lý hành vi mạo danh là không dễ. Các vựa nông sản luôn quả quyết rằng họ chỉ phủ đất đỏ Đà Lạt lên khoai tây Trung Quốc, chứ không mạo danh khoai tây Đà Lạt.

tc24h-0910-17-2.jpg
Bà Đỗ Thị Hương, vựa nông sản Huyền Thủy Trang, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

“Khoai tây Trung Quốc hay Đà Lạt, Đơn Dương, người ta thích màu đất Đà Lạt cho khoai Trung Quốc thì mình phải làm”, bà Đỗ Thị Hương, vựa nông sản Huyền Thủy Trang, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng.

Đợt kiểm tra mới đây, công an tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện nhiều vựa nông sản cố tình trộn đất đỏ Đà Lạt vào khoai tây Trung Quốc nhằm thay đổi xuất xứ nông sản. 1 kg khoai tây Trung Quốc nhập về Lâm Đồng chưa quá 10 ngàn đồng, chỉ bằng một nửa giá khoai tây Đà Lạt. Vì vậy, khoai tây Trung Quốc khi bán ra thị trường mạo danh khoai tây Đà Lạt thì cũng đồng nghĩa người bán thu về bất chính một khoản tiền chênh lệch không hề nhỏ.

TC24h-0910-17 Phạm S.jpg
Ông Phạm S - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng 


Ông Phạm S, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết: "Điều này làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu, thu hẹp thị trường nông sản Đà Lạt. Các cơ quan chức năng đang tập trung xử lý, đồng thời nghiên cứu các quy định của pháp luật, tùy theo quy mô, số lượng vi phạm, hành vi thế nào để xử lý cương quyết”

Không chỉ khoai tây mà nhiều mặt hàng nông sản có lợi thế của Đà Lạt thường xuyên bị mạo danh suốt thời gian qua, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thương hiệu nông sản Đà Lạt, gây ra sự cạnh trạnh không công bằng đối với nông sản Đà Lạt ngay tại thị trường trong nước. Điều đáng nói, thực tế này lại cứ kéo dài dai dẳng.

 
Share:

Cùng chuyên mục

 
 
 
 

Xuất khẩu gạo cán đích 5 tỷ usd

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo, thu về hơn 4,8 tỷ đô la Mỹ. Với đà này, mục ...