Dự án chống ngập chìm trong lãng phí

 
Dự án chống ngập chìm trong lãng phí

VTV9.vtv.vn - Dự án giải quyết ngập do triều có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu, giai đoạn 1 tại TP. HCM hay còn gọi là dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng, hiện tại đã hoàn thành khoảng 90% khối lượng công việc. Tuy nhiên, với việc ngừng thi công 4 năm, kể từ năm 2020 đến nay, dự án này vẫn chưa biết đến khi nào mới có thể hoàn thành.

Nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý chưa được tháo gỡ là nguyên nhân khiến dự án “bất động” thời gian qua.

Phóng viên Duy Thịnh: “Phía sau lưng tôi đây là cống ngăn triều Bến Nghé trên kênh Tàu Hủ, chạy qua địa bàn Q1 và Q4, TP. HCM. Đây là 1 trong 6 cống ngăn triều thuộc dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng của TP. HCM được khởi công từ năm 2016. Đến nay, tại khu vực cống ngăn triều Bến Nghé này đã hoàn thành 97% tiến độ. Chỉ còn vỏn vẹn 3% còn lại. Và đã 4 năm trôi qua thì 3% này vẫn chưa thể hoàn thành”, 

Không riêng hạng mục cống Bến Nghé, 5 hạng mục cống ngăn triều còn lại của Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng này đến nay đều đã hoàn thành từ 86 - 93% tiến độ.

Dự án do Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 đầu tư theo hình thức BT (xây dựng - chuyển giao) với 6 cống ngăn triều lớn đi qua quận 1, 4, 7, 8, huyện Nhà Bè và Bình Chánh.

Triển khai từ năm 2016, đến năm 2020, dự án ngừng thi công cho đến nay. Theo chủ đầu tư, việc này làm phát sinh chi phí lớn, trong đó riêng lãi vay là hơn 1,7 tỷ đồng/ngày. Từ số vốn dự kiến ban đầu là khoảng 10.000 tỷ đồng, nay dự án bị đội vốn thêm 4.000 tỷ đồng, tức đang ở mức 14.000 tỷ đồng.

Đó là chưa kể việc không thi công lâu ngày, các hạng mục hoàn thành đã có dấu hiệu xuống cấp, nếu tái khởi động dự án, thì lại tốn thêm chi phí duy tu, bảo dưỡng hoặc thay mới.

TC24H-0811-17 Trần Quang thang.jpg
Tiến sĩ Trần Quang Thắng - Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Tp. Hồ Chí Minh

Tiến sĩ Trần Quang Thắng, Viện trưởng Viện Kinh tế và Quản lý Tp. Hồ Chí Minh: "Đây rõ ràng là sự lãng phí rất lớn, nó còn hơn cả tham nhũng. Tất cả các Sở, ngành, các đơn vị có liên quan phải phối hợp với nhau thật sự tốt, và có những cái đề xuất, kiến nghị giải quyết trong phạm vi của mình, mình giải quyết ngay. Nếu không thì phải báo kịp thời đến cấp có trách nhiệm bên trên. Ở đây sự phối hợp không đủ nhịp nhàng cũng là một nguyên nhân gây ra ách tắc cho dự án."

TC24H-0811-17 hà hải.jpg
Tiến sĩ, luật sư Hà Hải - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tp. Hồ Chí Minh

Tiến sĩ, luật sư Hà Hải, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Tp. Hồ Chí Minh: "Các quy định pháp luật nó còn thiếu, cho nên người thừa hành công vụ khi mà họ tham gia vào chuỗi cung ứng vốn như thế này thì họ ngán, họ ngại. Họ không biết là làm như thế này là đúng hay sai."

Theo báo cáo của UBND TP. HCM, hiện tại, dự án này đang gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Trong đó nổi bật là 2 vấn đề. Thứ nhất là dự án chưa được xác định rõ thẩm quyền và trình tự thực hiện khi có nhiều nội dung thay đổi. Thứ 2 là dự án không có nguồn vốn để hoàn thành.

Việc để dự án chậm trễ tiến độ đến 6 năm với những vướng mắc này, đó không chỉ là lãng phí về tài sản, mà quan trọng rất là lãng phí, đánh mất niềm tin của hàng triệu người dân TP. HCM. Dự án trải qua 2 nhiệm kỳ, những người từng có trách nhiệm đã lên tiếng về trách nhiệm.

TC24H-0811-17 q Tâm.jpg
Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Nguyên Chủ tịch HĐND Tp. Hồ Chí Minh

Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Nguyên Chủ tịch HĐND Tp. Hồ Chí Minh: "Vừa xót, vừa thấy có lỗi. Mình cũng có 1 phần trách nhiệm cùng với các đồng chí lãnh đạo TP. HCM. Người dân rất trông đợi, và trong đó có cả niềm tin và sự kỳ vọng của doanh nghiệp nữa. Người ta làm với Thành phố, khi khó khăn thì doanh nghiệp cần Thành phố sự tháo gỡ. Không phải là không có cách để tháo gỡ. Vấn đề chúng ta đối diện với nó thế nào, không né tránh, không đùn đẩy trách nhiệm. Sai ở đâu sửa ở đó."

Phải xử lý các vướng mắc của dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng này ngay trong tháng 11 này – đó là yêu cầu, là chỉ đạo của UBND TP. HCM với các đơn vị liên quan. Bởi “khi nào thành phố còn ngập thì còn có lỗi với dân” chỉ khi dám nhìn thẳng sự thật, tỏ rõ quyết tâm thì mới mong hạn chế, chấm dứt được sự lãng phí, thất thoát đã kéo dài làm suy yếu các nguồn lực phát triển của đất nước.

 
Share:

Cùng chuyên mục

 
 
 
 

Xuất khẩu gạo cán đích 5 tỷ usd

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo, thu về hơn 4,8 tỷ đô la Mỹ. Với đà này, mục ...