Khắc phục khó khăn về trụ sở làm việc tại xã, phường

 
Khắc phục khó khăn về trụ sở làm việc tại xã, phường

VTV9.vtv.vn - Trong quá trình vận hành mô hình chính quyền địa phương hai cấp, bên cạnh việc kiện toàn bộ máy và con người, thì cơ sở vật chất - đặc biệt là trụ sở làm việc - cũng là một yếu tố quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả phục vụ người dân.

Đó cũng là một khía cạnh đang đặt ra thách thức tại TP. Hồ Chí Minh, khi một số phường, xã mới còn thiếu điều kiện về nơi làm việc. Dù vậy, bằng tinh thần chủ động, sáng tạo và linh hoạt, nhiều địa phương đã nhanh chóng tìm ra giải pháp để hoạt động hành chính được thông suốt, hiệu quả. 

Đây là 1 trong 5 trụ sở làm việc của phường Cầu Ông Lãnh. Sở dĩ như vậy vì phường tận dụng các cơ sở làm việc của phường cũ, có diện tích nhỏ. Nên phải cần đến 5 trụ sở mới đáp ứng được chỗ làm việc cho 160 cán bộ sau sáp nhập. Khó khăn về cơ sở vật chất, tuy nhiên, đơn vị này đã linh động cải tạo không gian, ưu tiên diện tích cho Trung tâm phục vụ hành chính công, đảm bảo giải quyết các thủ tục hành chính liên tục, nhanh chóng cho người dân.  

tc24h-2007-3 dư quang nghĩa.jpg
Ông Dư Quang Nghĩa - Chánh Văn phòng HĐND - UBND phường Cầu Ông Lãnh, TP. Hồ Chí Minh

Ông Dư Quang Nghĩa, Chánh Văn phòng HĐND - UBND phường Cầu Ông Lãnh, TP. Hồ Chí Minh: “Tổ chức, sắp xếp khu vực tiếp dân, tạo không gian rộng rãi, ưu tiên huy động các trang thiết bị công nghệ thông tin, cơ sở vật chất tốt nhất hiện có để tập trung cho bộ phận này, cũng như bố trí nhân sự, phân luồng hồ sơ một cách khoa học.”

Ngoài ra, phường cũng tăng cường bố trí lực lượng đoàn viên thanh niên để hướng dẫn người dân khi đến liên hệ công việc, giải quyết thủ tục hành chính thuận tiện hơn.

tc24h-2007-3 sau sáp nhập trụ sở có nh người đến làm....jpg
Sau sáp nhập, các phường, xã mới có dân số tăng gấp 3-5 lần nên nhu cầu thủ tục hành chính cũng tăng

Bà Vũ Thị Ngọc Dung, Khu phố 12, phường Cầu Ông Lãnh, TP. Hồ Chí Minh: “Mặc dù có những cơ sở nhỏ, như ở đây là HĐND-UBND, còn phòng hạ tầng đô thị thì đi qua cơ sở khác, Đảng ủy thì đi qua cơ sở khác, nhưng được sự giải quyết công việc cũng rất nhanh nhẹn, không có sự trì hoãn.”

Sau sáp nhập, trung bình các phường, xã mới có dân số tăng gấp 3-5 lần so với quy mô các phường, xã cũ. Do vậy, nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính tăng cao. Bên cạnh sắp xếp lại cơ sở vật chất khang trang, thân thiện, phường Bình Thạnh đã nhanh chóng tập huấn cho cán bộ ứng dụng công nghệ số, hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ công trực tuyến, vừa giải quyết các thủ tục hành chính nhanh chóng, hiệu quả, vừa giảm tải áp lực trực tiếp tại trụ sở.

tc24h-2007-3 đoàn hiệp.jpg
Ông Trần Đoàn Hiệp - Phó Chủ tịch UBND phường Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh

Ông Trần Đoàn Hiệp, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Thạnh, TP. Hồ Chí Minh: “Trang bị thêm máy móc, thiết bị để phục vụ việc hiện đại hóa Trung tâm hành chính công, thực hiện công tác chuyển đổi số, những người dân đến liên hệ hoặc nộp hồ sơ trực tuyến tại nhà thì sẽ được tiếp nhận và giải quyết hồ sơ theo đúng quy định, không chậm trễ.”

Việc vận hành mô hình chính quyền hai cấp là một hành trình dài và hiện mới chỉ là những bước đi đầu tiên. Với sự linh hoạt, quyết tâm cao trong khắc phục những khó khăn trước mắt, chính quyền các phường, xã tại TP. Hồ Chí Minh tin tưởng sẽ tiếp tục vận hành hiệu quả mô hình này. Bởi đây không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để đổi mới và nâng cao chất lượng phục vụ người dân.

 

 

Share:

Cùng chuyên mục