Liên kết thành tổ hợp tác giúp các mô hình nông nghiệp nhỏ lẻ phát triển

 
Liên kết thành tổ hợp tác giúp các mô hình nông nghiệp nhỏ lẻ phát triển

VTV9.vtv.vn - Liên kết để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm không còn là mô hình mới. Với những mô hình sản xuất nhỏ lẻ thì việc liên kết thành tổ hợp tác còn đặc biệt quan trọng. Vì chỉ khi liên kết cùng nhau, cùng tạo ra sản lượng lớn thì đầu ra mới ổn định.

Không phải là cây trồng chủ lực nên nông dân trồng lúa tại TP. Hồ Chí Minh sản xuất theo hướng nhỏ lẻ, không tập trung, lợi nhuận thấp. Đặc biệt không được bao tiêu đầu ra nên sản xuất bấp bênh. Đây là lý do mà các nông hộ đã liên kết thành tổ hợp tác để được hỗ trợ đầu ra bao tiêu sản phẩm.

TC24H-2010-17 Nguyễn Văn hai.jpg
Ông Nguyễn Văn Hai - xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh

Ông Nguyễn Văn Hai, xã Hưng Long, huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh: “Được hứa hẹn thu mua lại những hạt lúa mà chúng tôi làm ra. Như vậy chúng tôi có đầu ra rồi đó”.

Ông Nguyễn Hồng Hải, phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Bình Chánh, TP. Hồ Chí Minh: “Sẽ hướng dẫn nông dân ký kết hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản với công ty, như vậy bà con sẽ yên tâm sản xuất”.

Liên kết thành tổ hợp tác không chỉ giúp tạo ra sản lượng lớn mà theo bà con thì đây còn được xem như là ngôi nhà chung để nông dân đến trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.

Ông Nguyễn Dũng, huyện Hóc Môn, TP. Hồ Chí Minh: “Mình được giao lưu với tất cả các chủ thể cùng sản xuất và kinh doanh như mình, qua đó anh em cùng giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong nhiều lĩnh vực, trong sản xuất cũng vậy, trong tiêu thụ cũng vậy”.

Không chỉ tại TP. Hồ Chí Minh mà tại Đồng Nai, 32 hộ dân trồng sầu riêng theo tiêu chuẩn Vietgap đã chính thức thành lập tổ hợp tác xã. Theo bà con thì đây là cơ sở để sầu riêng huyện Định Quán có có hội mở rộng tiêu thụ và hướng đến xuất khẩu.

TC24H-2010-17 PHạm Trung Việt.jpg
Ông Phạm Trung Việt - Chủ nhiệm HTX Cây sầu riêng 94, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai

Ông Phạm Trung Việt, Chủ nhiệm HTX Cây sầu riêng 94, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai: “Trước mắt thì cứ bán cho thương lái thôi. Thương lái vào trả được giá thì mình bán. Còn giờ mình liên kết và được vầy thì các doanh nghiệp, các mối lớn họ tập trung hơn thì mình ổn định hơn. Cũng chỉ mong muốn giá nó ổn định hơn cho nhà vườn chút là được rồi."

Tính đến hết năm 2023, cả nước có trên 31 nghìn HTX với hơn 5,8 triệu thành viên; 137 liên hiệp HTX và 71.500 tổ hợp tác; lãi bình quân một HTX đạt 320 triệu đồng/HTX/năm, thu nhập bình quân của một người lao động thường xuyên trong HTX là 59 triệu đồng/người/năm.

Thực tế cho thấy việc liên kết phát triển của HTX, Tổ hợp tác còn giúp chuỗi giá trị phát triển bền vững. Khi liên kết đồng bộ từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ sản phẩm, gắn kết sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ sẽ góp phần xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm nông sản chủ lực theo từng địa phương.

 
Share:

Cùng chuyên mục

 
 
 
 

Xuất khẩu gạo cán đích 5 tỷ usd

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, trong 10 tháng qua, Việt Nam xuất khẩu gần 7,8 triệu tấn gạo, thu về hơn 4,8 tỷ đô la Mỹ. Với đà này, mục ...