Nguy cơ thiếu nguồn đá xây dựng cho các dự án trọng điểm

 
Nguy cơ thiếu nguồn đá xây dựng cho các dự án trọng điểm
Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên TP. Hồ Chí Minh

VTV9.vtv.vn - Nửa cuối năm 2025 là thời điểm các dự án trọng điểm tại phía nam vào giai đoạn hoàn thiện, cần nguồn đá xây dựng lớn phục vụ các dự án. Tuy nhiên thời điểm hiện tại đã xuất hiện tình trạng khan hiếm nguồn cung đá xây dựng, có dự án không huy động được nguồn làm ảnh hưởng tiến độ thi công.

Để tránh tình trạng chậm tiến độ các dự án trọng điểm, chính quyền nhiều địa phương đang tích cực vào cuộc tháo gỡ bằng cách huy động tăng khai thác nguồn đá hỗ trợ từ các địa phương khác.

Gói thầu xây lắp 09 dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên ở TP. Hồ Chí Minh dù đã có toàn bộ mặt bằng sạch, nhưng hiện không đáp ứng tiến độ thi công phần đường giao thông. Nguyên nhân là do thiếu nguồn đá xây dựng.

Ông Võ Hùng Sơn, Đại diện nhà thầu Dự án kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, cho biết: “Hiện nay khan hiếm về nguồn đá khiến mình chưa tiếp cận được, chứ chưa nói về giá. Tiếp cận của nhà thầu vào mỏ đá là không được, nên mua về công trường chưa có.”  

tc24h-2507-3.jpg
Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, một trong những dự án trọng điểm đang cần nguồn đá rất lớn 

Phóng viên Chinh Vũ: “Hiện nay tại một số gói thầu của dự án xây dựng hạ tầng và cải tạo môi trường kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước Lên, thì hiện chỉ mới huy động được khoảng 1/5 khối lượng đá xây dựng để phục vụ nhu cầu thi công dự án, phần nào gây ảnh hưởng đến tiến độ. Không chỉ có dự án này, trong vòng 1 năm tới đây, khi các dự án trên cả nước vào giai đoạn hoàn thiện thì nhu cầu đá xây dựng sẽ ngày càng lớn.”

Thời điểm nửa cuối năm 2025, nhu cầu đá xây dựng sẽ tăng cao tại một loạt các dự án trọng điểm ở khu vực phía Nam như sân bay Long Thành, cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, các tuyến cao tốc ở miền Tây... Riêng ngành giao thông thành phố Hồ Chí Minh đã cần đến 2,5 triệu m3 đá.  

Để gỡ khó nguồn cung, chính quyền thành phố Hồ Chí Minh đã phối hợp cùng tỉnh Đồng Nai xác định được 15 mỏ đá với trữ lượng 3 triệu m3 để khai thác cung ứng cho các dự án. Địa phương khẳng định việc này đã được dự báo và chuẩn bị, cũng như triển khai các cơ chế hỗ trợ nên sẽ không lặp lại tình trạng khan hiếm nguồn cát san lấp kéo dài như trước đây.

tc24h-2507-3 đậu an phúc.jpg
Ông Đậu An Phúc - Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. Hồ Chí Minh

Ông Đậu An Phúc, Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP. Hồ Chí Minh: “Đến thời điểm này chúng tôi được các tỉnh như Đồng Nai có văn bản chấp thuận và giao nhiệm vụ cho các mỏ đá để hỗ trợ đá cho chúng tôi. Trên tinh thần đó chúng tôi chỉ đạo cho các nhà thầu sẽ phải quyết tâm hơn, đẩy nhanh hơn nữa để đưa dự án về đích.”

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh: “Chúng tôi cũng đã triển khai các cơ chế về nghiệm thu, thanh toán các vật liệu một cách linh hoạt hơn. Thanh toán trước một phần cho các nhà thầu khi mà đưa đến công trường để tạo động lực, nguồn lực thêm cho nhà thầu.”

Chính quyền các địa phương xác định để hoàn thành mục tiêu đưa 3.000 km cao tốc vào khai thác đến cuối năm nay sẽ cần huy động hiệu quả nguồn vật liệu. Do đó Ban quản lý các dự án lớn cũng yêu cầu các nhà thầu cũng tự có những phương án chủ động hơn, không phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chính quyền làm chậm tiến độ dự án.


 

Share:

Cùng chuyên mục

 

Dịch tả heo Châu Phi lan nhanh

Người chăn nuôi lo ngại về nguy cơ dịch bệnh bùng phát. Đặc biệt, trong thời điểm dịch tả heo châu Phi đang lan nhanh ở nhiều địa phương, câu hỏi đặt ...