Vướng cơ chế, đầu tư công Thành phố Hồ Chí Minh chững lại

 

VTV9.vtv.vn - Tính đến hôm nay, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công của TP. HCM chỉ đạt 20,8%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu đề ra. Các chuyên gia nhận định, TP khó đạt tỷ lệ giải ngân đầu tư công của năm 2024 là 95%. Nguyên nhân không chỉ vì thời gian còn lại quá ít, mà còn nằm ở cơ chế.

Có tổng chiều dài hơn 8km, rộng 6 làn xe, dự án mở rộng và nâng cấp Quốc lộ 50, dự kiến sẽ hoàn thành trong năm nay, năm 2024. Tuy nhiên, dự án lại có nguy cơ chậm tiến độ do vướng mắc giải phóng mặt bằng của 11 căn nhà. Đây là những căn nhà do 2 doanh nghiệp bất động sản đang thực hiện dự án phải tiến hành bồi thường giải phóng mặt bằng. Sau đó mới bàn giao mặt bằng lại cho thành phố thực hiện dự án. Bởi theo quy định, chủ đầu tư là Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh không thể trực tiếp tiến hành bồi thường với 11 trường hợp này.

TC24H-0510-11-Nguyễn Thanh Tuấn 1.jpg
Ông Nguyễn Thanh Tuấn - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh

Ông Nguyễn Thanh Tuấn, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Do vấn đề lịch sử phức tạp trong quá trình sử dụng đất cũng như cơ chế bồi thường giữa doanh nghiệp với người dân và giữa nhà nước với người dân chính sách nó không thống nhất. Đặc biệt là có độ vênh về thời gian. Do đó các sở ngành cân nhắc kỹ để giải quyết thỏa đáng cho cả người dân và doanh nghiệp.”

Theo Sở Kế hoạch đầu tư TP. Hồ Chí Minh, vốn đầu tư công mà Thành phố phải giải ngân trong năm nay đã lớn với 79.000 tỳ đồng, vốn đầu tư công trung hạn lại tăng thêm vào giữa kỳ với 107.000 tỷ đồng sau khi Nghị quyết 98 có hiệu lực, khiến cho việc giải ngân cũng có nhiều ảnh hưởng. Thêm vào đó, một nguyên nhân khác khiến cho công tác giải ngân đầu tư công của Thành phố gặp vướng là việc thay đổi các quy định.

Ông Phạm Tuấn Anh, Trưởng phòng Tổng hợp Quy hoạch, Sở Kế hoạch đầu tư TP. Hồ Chí Minh: “2024 vừa rồi có một văn bản rất quan trọng là luật đất đai được ban hành. Đối với Luật Đất đai ban hành vào thời điểm này lại trùng và ảnh hưởng rất lớn đến dự án của Thành phố. Bởi trong số 79.000 tỷ đồng cần phải giải ngân của năm 2024 thì có khoảng 33.000 tỷ là tiền bồi thường giải phóng mặt bằng”.

Nhiều chuyên gia nhận định, với một Thành phố lớn như TP. Hồ Chí Minh, việc vướng mắc khi thực hiện các dự án lớn chắc chắn sẽ phải có. Nhưng khi giải quyết thì lại gặp nhiều lúng túng trong cách thực hiện.

TC24H-0510-11-Ngô Anh Vũ.jpg
Ông Ngô Anh Vũ, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TP. Hồ Chí Minh

Ông Ngô Anh Vũ, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Quy định thì chúng ta không thể rút ngắn hoặc bỏ bước theo quy trình được thì chúng ta phải đi thương lượng thuyết phục các cơ quan ban ngành bằng những quy trình dự kiến, chúng ta cụ thể hóa ra đó. Quá trình này tôi nhìn nhận nó lâu dài cũng tốn nhiều công sức và thời gian.”

Từ nay đến cuối năm, TP. Hồ Chí Minh đã xây dựng kế hoạch chi tiết giải ngân từng tuần, tháng, quý; đồng thời phối hợp với các sở, ngành để tháo gỡ các khó khăn. Các chuyên gia nhận định, ngoài biện pháp này, TP. Hồ Chí Minh còn cần được cởi trói bằng cách phân cấp phân quyền một cách rõ ràng, cụ thể và mạnh dạn hơn.

 
Share:

Cùng chuyên mục