Đánh thuế thu nhập cá nhân, bài toán cần sự hợp lý

 
Đánh thuế thu nhập cá nhân, bài toán cần sự hợp lý

VTV9.vtv.vn - Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý sửa đổi toàn diện những bất cập chính sách thuế TNCN để trình Chính phủ đề xuất Quốc hội ban hành Luật Thuế TNCN thay thế. Bởi sau 15 năm có hiệu lực, những quy định về mức chịu thuế đã bộc lộ những bất cập và lạc hậu so với mức trượt giá và tăng lương cơ bản.

Dù mỗi tháng có mức thu nhập gần 20 triệu đồng, thế nhưng chị Bội luôn trong tình cảnh thiếu trước, hụt sau. Bởi mức giảm trừ gia cảnh hiện chỉ được tính là 11 triệu đồng/tháng. Trong khi những gánh nặng như tiền thuê nhà, chi phí đi lại, mua sắm đồ dùng sinh hoạt đều không được tính đến.

Chị Quách Gia Bội, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh: “Có rất nhiều chi phí phải chi trả như tiền nhà trọ, tiền ăn uống, chi phí đi lại. Tôi nghĩ các khoản đó nên được tính vào giảm trừ thuế để tôi có thể chi tiêu và có 1 khoản tiền tiết kiệm nhất định”.

Không chỉ mức GTGC lạc hậu mà những quy định hiện nay liên quan đến người phụ thuộc cũng xa rời thực tế. Mức giảm trừ cho người phụ thuộc chỉ 4,4 triệu đồng/tháng là quá thấp, vì thực tế chi phí cuộc sống cho người phụ thuộc là con cái hay cha mẹ già yếu thậm chí còn bằng hoặc cao hơn cá nhân người nộp thuế.

Anh Nguyễn Thanh Vy, Quận 3, TP. Hồ Chí Minh: “Đối với người già thì ốm đau, bệnh tật đối với một số bệnh mà cần phải có nhiều chi phí hơn. Thì cái mức đó thì nó chưa phù hợp vì tiền khám bệnh hay là tiền thuốc mỗi lần khám bệnh ở bệnh viện thì 4 triệu 4 nó cũng không có thấm, nó cũng quá ít.”

Các chuyên gia đề nghị, cần sớm điều chỉnh nâng mức giảm trừ gia cảnh thuế TNCN theo mức lương tối thiểu vùng. Đồng thời, những chi phí sinh hoạt thiết yếu nếu có hóa đơn, chứng từ hợp pháp thì phải được khấu trừ khi tính thuế TNCN. Bên cạnh đó, biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công với 7 bậc thuế hiện tại từ 5% đến 35% được nhiều chuyên gia cho rằng quá cao, tận thu người nộp thuế.

TC24H-0412-15 nguyen duc Nghĩa.jpg
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa - Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN Nhỏ và vừa, Hiệp hội DN TP.Hồ Chí Minh

Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ DN Nhỏ và vừa, Hiệp hội DN TP.Hồ Chí Minh: “Chúng tôi cũng kiến nghị, đề nghị là giảm từ 7 bậc xuống còn 5 bậc và từ mức thuế cao nhất là 35% về mức 25%. Đồng thời là chúng ta cũng giãn nộp thuế để làm sao cái mức tính thuế cao nhất hiện tại là 80 triệu một tháng thì nâng lên đâu đó là 150 triệu một tháng để đảm bảo cho người biểu thuế có đầy đủ chi phí đảm bảo cuộc sống của mình và đảm bảo công bằng giữa người biểu thuế ở các vùng miền khác nhau. Và cũng đảm bảo là nó phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội hiện tại.”

Luật thuế Thu nhập cá nhân sửa đổi dự kiến sẽ được thông qua vào tháng 6/2025 và đến năm 2027 sẽ chính thức có hiệu lực. Nhiều chuyên gia thuế, người dân ở TP.HCM mong dự thảo luật này cần được nghiên cứu, tính toán một cách kỹ lưỡng, đảm bảo phù hợp với sự biến động của giá cả cũng như sự gia tăng mức sống dân cư, đồng thời đẩy nhanh việc lấy ý kiến, xem xét, sớm trình Quốc hội để người dân không thiệt thòi. Vì so với thực tiễn hiện nay, luật đã quá lạc hậu.

 
Share:

Cùng chuyên mục

 

Ngăn chặn từ gốc thực phẩm không an toàn

Trong những tháng cuối năm và chuẩn bị cho tết Nguyên đán sắp tới, TP. HCM đang tích cực phối hợp với các địa phương nhằm quản lý thực phẩm tận gốc. Q ...

 
 
 

Giữ làng lụa truyền thống Tân Châu

ĐBSCL có hàng trăm làng nghề truyền thống ở đủ mọi lĩnh vực, từ sản xuất bánh kẹo, đan lát, đến dệt nhuộm… Bên cạnh việc tạo ra các sản phẩm đặc trưng ...

 

TP.HCM khó khăn ngăn chặn sởi gia tăng

Tình hình dịch sởi ở TP. Hồ Chí Minh chưa có dấu hiệu thuyên giảm mặc cho nỗ lực tiêm phủ vaccine của ngành y tế thành phố, thậm chí đang tăng mạnh hơ ...