Đường dây nóng VTV9 (17/12/2024)

 
Đường dây nóng VTV9 (17/12/2024)

VTV9.vtv.vn - Nỗi lo sạt lở bờ sông; Thiếu kinh phí xây dựng kè chống sạt lở; Một số phản ánh của người dân về tình trạng giao thông...

Nỗi lo sạt lở bờ sông

Phản ánh đến Đường dây nóng Alo V9, một số hộ dân ở xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận cho biết, nhiều năm qua, bờ Nam của sông Dinh hay còn gọi là sông Cái qua địa bàn xã Phước Sơn thường xuyên bị sạt lở mỗi khi vào mùa mưa lũ. Tình trạng sạt lở lấn sâu vào khu dân cư và đất sản xuất. Người dân lo lắng cho sự an toàn tính mạng, tài sản, nhà cửa và mất đất sản xuất. Họ mong muốn Đường dây nóng Alo V9 vào cuộc phản ánh. Tiếp nhận thông tin, phóng viên VTV9 đã đi tìm hiểu thực tế.    

Ngôi nhà của ông Phan Ngọc Huy trước đây cách bờ sông Dinh hơn mười mấy mét. Nhưng, mấy năm nay, bờ sông ngày càng tiến gần vào. Có vị trí sạt lở lấn sâu vào khoảng 8 mét và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ông cho biết, trước đây, đất của gia đình có các bụi tre che chắn, nhưng rồi bụi tre cũng bị nước lũ cuốn trôi. Mỗi năm bờ sông lại lấn vào đất của ông thêm 2 – 3 mét. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, bờ sông Dinh qua địa bàn xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận hiện có 4 đoạn bị sạt lở với tổng chiều dài hơn 5km. Sạt lở diễn ra ngày càng nghiêm trọng. Tại những vị trí này, bờ sông đã lấn sâu vào khu dân cư, đất sản xuất của người dân từ gần chục mét đến 30 – 40 mét. 

UBND xã Phước Sơn cho biết thực tế này gây hoang mang cho bà con nhân dân trong khu vực mỗi khi đến mùa mưa nên xã luôn chuẩn bị sẵn phương án ứng phó lúc cần thiết.

Ông Ngô Đức Hiệp, Phó Chủ tịch UBND xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận: "Mùa mưa thì chúng tôi phải tuyên truyền, vận động bà con di dời đến các khu vực cao tránh lũ, bảo đảm tài sản của bà con. Đồng thời, địa phương luôn kiến nghị các cấp quan tâm đầu tư xây kè để đảm bảo an toàn tính mạng của người dân và bà con yên tâm sản xuất".

 Thiếu kinh phí xây dựng kè chống sạt lở

Theo tìm hiểu của phóng viên Đường dây nóng Alo V9, không chỉ bờ Nam sông Dinh chảy qua xã Phước Sơn, huyện Ninh Phước mà bờ Bắc của con sông này qua huyện Ninh Sơn và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm cũng đang bị sạt lở nặng. Kéo theo đó là nhiều diện tích đất bị mất. Tỉnh Ninh Thuận đã yêu cầu các cơ quan chuyên môn khảo sát, đánh giá và lập các dự án xây kè chống sạt lở. Tuy nhiên, vấn đề khó khăn hiện nay là kinh phí.  

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận, hiện nay cả 2 bên bờ sông Dinh đoạn chảy qua huyện Ninh Phước, huyện Ninh Sơn và thành phố Phan Rang – Tháp Chàm xuất hiện nhiều vị trí sạt lở. Tổng chiều dài gần 10km. Đây là những đoạn chưa được gia cố, đầu tư kè kiên cố. Tỉnh Ninh Thuận đã khảo sát và đưa vào kế hoạch xây dựng các dự án kè chống sạt lở. Dự kiến thời gian triển khai từ nay đến năm 2027 với tổng kinh phí hơn 326 tỷ đồng.  

DDNV9-so48-Truong thi thanh Van.jpg
Bà Trương Thị Thanh Vân - Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận

Bà Trương Thị Thanh Vân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận: “Hiện nay cũng đã có các dự án xây dựng kè đối với các đoạn còn lại trên bờ sông Dinh. Đã có các đơn vị khảo sát, thiết kế và lập hồ sơ. Nhưng do tỉnh còn nhiều khó khăn, nguồn kinh phí còn hạn hẹp nên chưa bố trí để tiếp tục đầu tư.”  

Do đó, tỉnh Ninh Thuận đã có các tờ trình gửi Chính phủ đề nghị các bộ ngành Trung ương hỗ trợ nguồn vốn đầu tư từ nguồn cấp bách dự phòng ngân sách Trung ương để các dự án này sớm được triển khai.  

Bà Trương Thị Thanh Vân, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Ninh Thuận: "Rất mong được sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các bộ ngành Trung ương sớm hỗ trợ tỉnh Ninh Thuận để triển khai đầu tư các hạng mục kè còn lại để ổn định đời sống cho người dân và ổn định kinh tế cho tỉnh nhà."  

Thời gian qua, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận liên tục tăng cường lực lượng kiểm tra các khu vực xung yếu để có giải pháp gia cố kịp thời khi xảy ra sạt lở để không ảnh hưởng đến người dân. Tuy nhiên, đơn vị này cho rằng đây chỉ là giải pháp tình thế, không mang lại hiệu quả cao bởi diễn biến mưa lũ ngày càng phức tạp. Để bờ sông Dinh không còn lấn sâu và các khu dân cư và đất sản xuất thì giải pháp lâu dài vẫn là sớm được đầu tư xây dựng kè chống sạt lở.  

 

 

Share:

Cùng chuyên mục

 
 
 

Thời sự: Phương Nam hôm nay (05/02/2025)

Bình Thuận: Khởi tố, bắt giam thầy giáo giao cấu với học sinh lớp 10 - Gỡ lệnh phạt nguội cho tài xế cứu người - Điều tra vụ 50 người dàn cảnh cướp, đ ...

 

Thời sự: Sáng phương Nam (05/02/2025)

Người dân TP. Hồ Chí Minh chi tiêu nhiều hơn cho tết - Ba đại học bị giả mạo để tuyển sinh du học - Mức phạt với những lỗi tài xế xe máy thường vô tìn ...