Huy động nguồn lực đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

 
Huy động nguồn lực đầu tư nông nghiệp công nghệ cao

VTV9.vtv.vn - Tại tỉnh Lâm Đồng, nhiều gia đình đã làm chủ những khu vườn công nghệ cao, mang về nguồn thu nhập tiền tỷ. Không chỉ vậy, ngay cả ở những vùng sâu, vùng xa - nơi trước đây hộ nghèo chiếm đa số với lối canh tác lạc hậu thì hiện tại, nông nghiệp công nghệ cao không còn là điều xa lạ.

Với việc huy động nguồn lực từ chính người dân để đầu tư nông nghiệp công nghệ cao, nhiều địa phương đã về đích sớm trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. 

Mưa kéo dài… Ngày trước, người làng Diom A, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng phải chịu cảnh nhàn rỗi trong nỗi lo. Bởi lúc đó, có muốn canh tác cũng chẳng được. Nhưng, giờ thì khác. Mưa có to mấy thì công việc hàng ngày của gia đình Tina vẫn suôn sẻ. Thay đổi bắt đầu từ lúc chị mạnh dạn đầu tư nhà kính, tiếp cận công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. 

Không chỉ tránh thời tiết bất lợi mà giờ đây, Tina trồng được giống hoa cao cấp, thu nhập cũng tăng gấp nhiều lần.

Chị Touneh Ma Tina,  xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng: “Hồi môn cưới được bao nhiêu là đầu tư hết luôn. Lúc đầu canh tác ít, sau này làm được rồi cứ mạnh dạn đầu tư thêm, mỗi năm thêm một ít”.

Ở vùng đồng bào Chu Ru, K'Ho, xã Lạc Xuân, từ một hai hộ dân đầu tiên làm nông nghiệp công nghệ cao và làm có hiệu quả, vậy là chính quyền địa phương tìm cách thúc đẩy người dân đầu tư.
Chỉ trong vòng 2 năm qua, diện tích canh tác ứng dụng công nghệ cao ở xã Lạc Xuân đã tăng gần gấp đôi với hơn 2 ngàn ha. Trong đó, có những mô hình sản xuất vượt trội cho thu nhập hơn nửa tỷ đồng/ha trong một năm. Đây là một trong những yếu tố mà giữa năm nay, địa phương này đã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Văn Hải, Phó Chủ tịch UBND xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng: “Dòng họ, người ta chia sẻ nhau. Có thể cho mượn, cho ứng tiền trước, từ đó bà con mạnh dạn phát triển.”

Ở Tây Nguyên, nông nghiệp là sinh kế của đồng bào các dân tộc thiểu số. Để nâng thu nhập của người dân, tỉnh Lâm Đồng đã bắt đầu từ thay đổi canh tác để nâng sản lượng lẫn chất lượng. Các doanh nghiệp đóng vai trò hạt nhân trong việc thúc đẩy nông hộ chuyển hướng đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. 

Ông Nguyễn Ngọc Phúc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng: “Khuyến khích các doanh nghiệp được cấp phép đầu tư ở vùng đồng bào để thu mua sản phẩm người dân. Về tài chính thì ngân hàng chính sách, ngân hàng nông nghiệp hỗ trợ người dân vay vốn, phát triển sản xuất”.

Bên cạnh vốn đầu tư của Nhà nước, tỉnh Lâm Đồng đã huy động nguồn lực từ chính hộ gia đình, sự tương trợ lẫn nhau trong các dòng họ để đồng bào dân tộc thiểu số đầu tư nông nghiệp công nghệ cao. Điều này được người dân đồng thuận, bởi ai cũng nhận ra rằng đây là cách để nâng thu nhập. Và kết quả đã như mong đợi. Tỷ lệ hộ nghèo ở vùng đồng bào thiểu số tỉnh Lâm Đồng giảm mỗi năm từ 2-3%, thu nhập bình quân đầu người trong năm nay đã xấp xỉ 45 triệu đồng.

 

Share:

Cùng chuyên mục

Nga: Bảo tồn các làng nghề truyền thống

Cấm vận, biến động thị trường, khách du lịch giảm, doanh số bán hàng giảm và số lượng thợ thủ công cũng giảm - các làng nghề thủ công truyền thống ở n ...

 
 

Hiểu đúng về xã hội hóa trong giáo dục

Mới đây, một hiệu trường tại Hòa Bình vừa bị khởi tố vì tội lạm thu. Lạm thu cũng là cụm từ được nhắc đến nhiều nhất mỗi khi bắt đầu năm học mới và lu ...