Năm Tỵ nói chuyện võ rắn

 
Năm Tỵ nói chuyện võ rắn

VTV9.vtv.vn - Diễn viên Thành Long biểu diễn bài Xà Quyền - 1 cảnh rất nổi tiếng trong bộ phim Xà hình điêu thủ (1978). Xà quyền nổi tiếng tới mức được đưa vào trong các bộ phim, trò chơi điện tử hay tiểu thuyết võ hiệp.

Trong võ thuật cổ truyền Việt Nam, Rắn là con vật được xếp thứ 2 trong tứ linh, tương ứng với tứ hình quyền: Hổ, Xà, Hạc, Hầu. Bài Xà quyền hiện có rất nhiều biến thể trong các môn phái của Liên đoàn Võ cổ truyền Việt Nam.

Không phải tự nhiên mà Xà quyền phát triển trong nền võ thuật cổ truyền của Việt Nam. Bởi ngoài việc rèn luyện gân, cơ, xương khớp, những thế võ học hỏi từ loài rắn cũng phù hợp với vóc dáng, cơ thể nhỏ bé nhưng khéo léo của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng, để biết cụ thể như thế nào, hãy cùng tìm hiểu bộ môn xà quyền trong môn phái võ lâm Tân Khánh Bà Trà của Việt Nam.

Lưỡng xà kích nhãn, Độc xà tiến hầu, Song xà nhập động, Độc xà áp đỉnh. Đây là 4 trong những thế mang tên xà, được áp dụng để phòng thủ và phản công trong bài xà quyền của môn phái võ lâm Tân Khánh Bà Trà.

Tiến sỹ, Võ sư Hồ Tường - Trưởng môn phái võ lâm Tân Khánh Bà Trà: “Bài xà quyền, có những thế đặc trưng sử dụng đường đi, sự di chuyển của con người giống như đường uốn lượn của con rắn. Điều đó giúp người tập võ sử dụng những đòn thế mang tên loài rắn tấn công rất nhanh nhẹn, cũng như phòng thủ theo đường đi con rắn rất hiệu quả”.

Rắn là loài vật tượng trưng cho sự uyển chuyển, mềm dẻo và khó lường, nên thế mạnh của xà quyền chính là yếu tố bất ngờ khi ra đòn. Tiến sỹ, Võ sư Hồ Tường cho biết thêm: "Xà quyền, xà thủ, xà tấn, xà hành, tất cả đều ứng dụng thực tế rất nhiều, đặc biệt là cận chiến. Xà quyền phù hợp với người gọn nhẹ. Về mặt chuyên môn của tôi thì người nào có gót chân nhỏ thì di chuyển nhanh nhẹn, phù hợp xà quyền". 

Ngoài ra, những vũ khí mà tự nhiên trang bị cho loài rắn, như răng nhọn và đuôi có độc cũng được mô phỏng đưa vào các bộ võ kiếm, võ đao tạo thành những bài võ nổi tiếng như Linh xà kiếm, Xà Mâu, hay Thiết Xà thương. “Có thể nói: Trong võ lâm Tân Khánh Bà Trà, kết quả của quá trình khai hoang vùng đất Nam Bộ đã hình thành nên những đòn thế mang tính chất của loài rắn rất rõ ràng” Tiến sỹ Hồ Tường nhấn mạnh.

Võ lâm Tân Khánh Bà Trà được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia vào năm 2021, hiện đã phát triển rất rộng rãi tại rất nhiều địa phương trong cả nước. Thống kê cho thấy: Hiện có khoảng gần 10.000 người đang tập luyện thường xuyên môn phái võ này.

 

 

Share:

Cùng chuyên mục