“Tiến sĩ rắn" và niềm đam mê khám phá các loài rắn độc

 
“Tiến sĩ rắn" và niềm đam mê khám phá các loài rắn độc

VTV9.vtv.vn - Nghiên cứu, tìm hiểu và phát hiện những loài rắn mới ở Việt Nam cho khoa học là điều hết sức lý thú. Đó là điều mà PGS. TS. Nguyễn Thiên Tạo luôn tâm niệm trong hành trình nghiên cứu hàng chục năm với những loài rắn độc.

Từ tình yêu đặc biệt với loài rắn mà anh đã trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu nghiên cứu về rắn độc ở Việt Nam, được ưu ái với tên gọi tiến sĩ "Rắn". Cũng nhờ vào khả năng phân loại học về rắn, anh Tạo đã cứu thoát không biết bao nhiêu nạn nhân bị rắn cắn, tưởng như đã không thể thoát khỏi lưỡi hái tử thần.

Những chuyến đi vừa vất vả, vừa nguy hiểm. Những con rắn có thể vắt vẻo trên cành cây, trong bụi rậm, trên đường đi. Nếu không đủ đam mê và lòng dũng cảm, chắc chắn khó ai có thể làm được công việc đầy nguy hiểm này. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thiên Tạo đã có hành trình 20 năm "làm bạn" với rắn độc.

TC24h-0402-32 thiên tạo.jpg
PGS.TS. Nguyễn Thiên Tạo - Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam

PGS.TS. Nguyễn Thiên Tạo, Viện Nghiên cứu hệ gen, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam: “Nói vậy thôi chứ 20 năm có thể là dài nhưng về việc nghiên cứu độc học, các loại độc tố tự nhiên thì mới chỉ là sự khởi đầu. Cơ thể rắn muốn phát triển thì nó phải lột da theo định kì, cho nên nó là biểu tượng cho sự phát triển và luôn luôn thay đổi. Là người nghiên cứu mình phải hiểu bản chất của các loài rắn, không đơn giản là tiếp cận được”.

Thật ra rắn nó rất đáng yêu chứ không kinh dị như nhiều người vẫn sợ. May mắn trong hơn 20 năm gắn bó với chúng thì vẫn có những tai nạn xảy ra nhưng vẫn trong tầm kiểm soát được. Càng nguy hiểm thì càng mang tính phiêu lưu, nó hấp dẫn và chứa đựng nhiều kiến thức rộng lớn.

TC24h-0402-32 6.jpg
Lấy nọc rắn để sản xuất huyết thanh dùng cho điều trị bệnh nhân bị rắn độc cắn

Mỗi năm, cả nước có khoảng 30.000 trường hợp bị rắn cắn. Rất nhiều người dù đã đến được bệnh viện song vẫn tử vong, do bác sĩ không xác định được loại rắn nào cắn để điều trị. Anh Tạo và nhóm nghiên cứu đã phối hợp với Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai và nhiều đối tác khác để tiến hành các nghiên cứu về dịch tễ các loài rắn độc, thành phần độc tố nọc rắn, và phát triển sản xuất huyết thanh trên quy mô phòng thí nghiệm.

PGS.TS. Nguyễn Thiên Tạo cho biết: "Khi mà mẫu vật đến thì bọn mình có thể nghiên cứu chính xác đó là loài gì, có thể lựa chọn được phác đồ tốt nhất để hỗ trợ cứu sống người bệnh, định hướng để sản xuất huyết thanh kháng nọc độc rắn. Việc xây dựng cơ sở dữ liệu về các loài rắn độc rất quan trọng. Có thể có những loài đã tồn tại rất lâu mà con người chúng ta vẫn chưa thể phát hiện, còn rất nhiều câu hỏi chúng tôi luôn khao khát được làm rõ.

Anh không chỉ là một "tiến sĩ rắn" như mọi người gọi vui mà còn là một người mong muốn được cống hiến, truyền cảm hứng tới thế hệ các nhà khoa học trẻ Việt Nam dấn thân vì cộng đồng và bảo tồn thiên nhiên.

 

Share:

Cùng chuyên mục