Tiêu dùng - tiêu tiền nhưng không dùng

 
Tiêu dùng - tiêu tiền nhưng không dùng
TS. Lê Thẩm Dương - Chuyên gia Tài chính

VTV9.vtv.vn - Theo Bộ Công Thương, Việt Nam có hơn 40% dân số - tương đương gần 50 triệu người - tham gia mua sắm trực tuyến, con số cao nhất tại Đông Nam Á. Cũng giống như thức ăn hay đồ uống, việc mua sắm có khả năng kích thích dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh giúp cải thiện tâm trạng, làm chúng ta tạm thời quên đi những cảm xúc tiêu cực.

Tuy nhiên, nếu không kiểm soát, thói quen này có thể khiến nhiều người rơi vào tình trạng chi tiêu quá tay, mua sắm mà không thực sự cần đến, thậm chí dẫn đến nợ nần vì những đơn hàng online. Đây là một vấn đề đáng lưu tâm khi "sự tiện lợi" có thể trở thành "gánh nặng tài chính dài hạn.

Cuối năm vào mùa mua sắm, chỉ vì những quảng cáo hấp dẫn và ưu đãi cực sốc Khánh Linh không ngại ngần chi tiền cho hàng loạt món hàng yêu thích rồi chẳng dùng đến. Hộp đồ cũ chưa kịp mở đã có đồ mới chuyển đến. Mua thì cứ mua, chẳng biết để làm gì.

Chị Khánh Linh - Sinh viên: “Chi tiêu khá là quá tay, mua những cái đồ mà mình không cần thiết lắm, hoặc là có giá rẻ nên mua rồi về lại chất đống ở đó, mình chỉ mua vì mình thấy người khác mặc đẹp, dùng thích thì mình mua về thôi mặc dù chẳng có nhu cầu sử dụng những món đồ đó”.

Vào các ngày giảm giá lớn của các sàn thương mại điện tử, có người chốt tới cả chục đơn hàng 1 ngày. Nếu không phải ngày giảm giá, cũng có người, như một thói quen truy cập vào các ứng dụng mua sắm trực tuyến để nhận ưu đãi, rồi cứ thế là nhấn mua. Nhiều người rơi vào tình trạng cháy túi, phải xoay xở để có tiền nhận hàng. Rồi cũng chẳng mấy khi sử dụng vì trót mua quá nhiều

Chị Hồng Ngọc - Sinh viên: “Shopee có mục mở ra là tặng 100 xu hàng ngày, xong em cứ lướt rồi lại cho hàng vào giỏ, em cứ mua thư thế thôi xong đến cuối tháng shipper gọi điện nhận hàng là không có tiền trả là cũng kẹt đấy, không còn tiền để nhận hàng thì cũng đành”.

Chị Quỳnh Anh - Nhân viên văn phòng: “Tôi thấy có rất là nhiều cái hỗ trợ, ví dụ như có thể trả góp được khi nào thấy cháy túi quá thì có thể trả góp hoặc dùng thẻ tín dụng”.

Để thoả mãn nhu cầu của  nhóm đối tượng có thu nhập thấp, muốn mua hàng mà chưa đủ tiền, các sàn thương mại điện tử lập tức đưa ra hình thức "mua trước trả tiền sau" cho phép người tiêu dùng nhận hàng mà chưa cần thanh toán ngay. Mặc dù có thể sở hữu sản phẩm ngay lập tức, nhưng việc phải trả góp hàng tháng có thể tạo ra gánh nặng tài chính lâu dài. Khi không kiểm soát chi tiêu và thanh toán đúng hạn.

TS. Lê Thẩm Dương - Chuyên gia Tài chính: “Việc thoả mãn cái tôi của họ dẫn đến tổng thu nhập của họ nó không thoả mãn được đầu ra. Và xu hướng đó sẽ dẫn tới là nợ.  Cái điểm tựa nó yếu thì cái đòn bẩy nợ trở thành đòn thọt, nhẹ nhất là đòn gánh, nó đè lên vai người tiêu dùng”.

 

 


 

 

Share:

Cùng chuyên mục