Giải quyết tình trạng trùng tên đường sau sáp nhập

 
Giải quyết tình trạng trùng tên đường sau sáp nhập

VTV9.vtv.vn - Tình trạng trùng tên đường vốn đã tồn tại từ lâu tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước. Tại TP. Hồ Chí Minh, sau khi sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, một phường có nhiều tuyến đường trùng tên lại ngày càng trở nên phổ biến.

Thực tế này đòi hỏi Thành phố cần sớm tìm được lời giải để xây dựng một hệ thống tên đường đồng bộ. Đây thực sự là bài toán không dễ dàng. 

Trước sáp nhập, hai tuyến đường Nguyễn Thị Nhỏ dù chỉ cách nhau chưa đến 1km nhưng lại thuộc 3 quận khác nhau. Sau sáp nhập, tên đường này lại xuất hiện tại cả 5 phường mới: Tân Hòa, Phú Thọ, Minh Phụng, Chợ Lớn và Bình Tây.

Không chỉ trùng địa danh, mà nhiều phường/xã sau sáp nhập lại xuất hiện tình trạng trùng tên đường nhiều lần.

Phóng viên Quang Duy: "Đây là một biển tên đường số 11, thuộc phường An Khánh thuộc thành phố Thủ Đức (cũ). Chỉ cách đây vài km, tôi lại bắt gặp thêm 2 đường số 11 khác, thuộc phường Thảo Điền (cũ) - và phường An Lợi Đông (cũ). Sau khi sáp nhập, cả ba tuyến đường này giờ đây đều thuộc cùng một: phường An Khánh.

tc24h-2207-3 5.jpg
Nhân viên giao hàng phải xác minh nhiều lần với người nhận do tên đường bị trùng sau sáp nhập

Dù đã làm nhân viên giao hàng tại khu vực phường Thảo Điền (cũ) gần hai năm, anh Hà vẫn thường xuyên lúng túng mỗi khi phải giao hàng trên các tuyến đường mang tên theo số trong địa bàn phường mới.

Anh Trần Quang Hà, nhân viên giao hàng, cho biết: “Đường mà có tên đường rõ ràng thì còn dễ nhận biết được. Chứ còn đường số không để rõ khu phố, khu vực phường cũ thuộc quận 2, Thủ Đức là bỏ tay luôn. Thấy cũng hơi phiền, người ta cũng phiền nữa. Vì đặt có 1 đơn hàng mà phải gọi xác minh đi nhiều lần.”

Sau ngày 30/6, tại TP. Hồ Chí Minh bắt đầu xuất hiện nhiều trường hợp trùng tên đường phổ biến như tên danh nhân, anh hùng dân tộc, địa danh lịch sử… điển hình là Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi…. Trước thực trạng này, chuyên gia đề xuất thành phố xem xét giải pháp bổ sung "tên phường trên bảng tên đường" hoặc "bổ sung số thứ tự" để phân biệt.

tc24h-2207-3 Hà Minh Hồng.jpg
PGS.TS Hà Minh Hồng - Hội Khoa học lịch sử TP. Hồ Chí Minh

PGS.TS Hà Minh Hồng, Hội Khoa học lịch sử TP. Hồ Chí Minh: “Nếu trùng thì chúng ta có thể đặt thêm số. Ví dụ như Dân chủ 1, Dân Chủ 2 không sao. Chứ còn mà đường 1, đường 2 thì không thể phân biệt được. Đường số chỉ là vấn đề tự phát, quy định tạm thời thế thôi chứ số hiệu nó không hẵn là tên đường”.

tc24h-2207-3 nguyễn hữu Nguyên.jpg
Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên - Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP. Hồ Chí Minh

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị TP. Hồ Chí Minh: "Chúng ta hãy rà soát lại để xem có những phường nào mà có hai tên đường thì chỉ những phường đấy thay đổi thôi, còn tất cả các địa chỉ khác vẫn giữ nguyên. Chứ bây giờ chúng ta xáo trộn thay đổi tất cả các tên ở Bình Dương, Vũng Tàu thì sẽ không làm được và nó sẽ gây xáo trộn rất lớn.

Dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng theo các cơ quan chức năng, việc xây dựng một hệ thống tên đường đồng bộ sau sáp nhập là yêu cầu cấp thiết. Những bất cập trong công tác đặt, đổi tên đường dự kiến sẽ được HĐND TP. Hồ Chí Minh đưa ra thảo luận tại kỳ họp sắp tới.

 
Share:

Cùng chuyên mục

 
 
 
 
 

Khắc phục tình trạng ảo trong tuyển sinh

Một trong những vấn đề đang được quan tâm thời điểm này là công tác tuyển sinh đại học năm 2025. Dù hình thức xét tuyển mở rộng với nhiều phương thức ...