Trầm cảm vì áp lực điểm số

 
Trầm cảm vì áp lực điểm số
Nếu trẻ cau có, đấm vào tường, đánh em, nhăn nhó, cục cằn.... kéo dài 2 tuần là dấu hiệu báo động.

VTV9.vtv.vn - Vừa qua, có một nữ sinh lớp 9 đã nhảy xuống sông tử tự, và không qua khỏi, khi biết mình không đậu vào ngôi trường yêu thích trong kỳ thi vào lớp 10. Đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự việc đáng tiếc như thế này. Có em không vượt qua được áp lực điểm số, thành tích… Có em thì bị những áp lực ấy làm tổn thương cả thể chất lẫn tinh thần.

Những vết sẹo do cô bé này tự dùng dao rạch vào tay đã lành. Nhưng vết thương tinh thần của em thì chưa bao giờ lành. Em đã mắc trầm cảm hơn 3 năm.

Một học sinh lớp 10 mắc trầm cảm chia sẻ: “Con cũng thấy đau nhưng mà con cảm thấy thoải mái như là trút được gánh nặng. Con học không tốt, con cảm thấy không xứng đáng sự đầu tư của bố mẹ, con là sản phẩm thất bại của bố mẹ".

traafm cảm.jpg
Bệnh nhân trầm cảm tự dùng dao rạch vào tay mình

Một bệnh nhân mắc trầm cảm khác kể: “Lớp 9 là con hay xem điện thoại, cũng có mắng đấy, muốn làm theo ý mình. Mẹ con cũng đầu tư 2 gia sư, nhưng con không tập trung. Cũng nhắc nhở con cố gắng phải đỗ lớp 10. Nghĩ là đơn giản thôi, lớp 8 hay lớp 9, tuổi dậy thì, tuổi nổi loạn".

Người mẹ này thì đưa con gái đến khám tâm lý, khi cô bé đã có đến 3 lần tự tử không thành. Điều khiến chị trăn trở là mình chưa bao giờ tạo áp lực học hành với con.

Mẹ bệnh nhân mắc trầm cảm cho biết: “Thời gian qua cháu có đăng ký học sinh giỏi văn, nhưng cháu lại ốm, nên không dự được, cháu chán nản, tôi bảo thôi năm nay không được thì sang năm cố gắng. Chúng thoải mái, chúng em làm nông nên bảo là chỉ cần con bằng bạn bè, bình thường cũng được. Kỳ 1 cháu toàn 7,8,9, kỳ 2 toàn 3,4 điểm, em bảo sao chỉ ăn với học mà điểm kém thế. Em mua một cuốn sổ cho cháu viết thì cháu nói là con trầm cảm 2 năm rồi. Một lần cháu uống thuốc, một lần nhảy xuống ao. Bác sĩ bảo cháu trầm cảm nặng rồi".

Hàng năm, thời điểm kết thúc các kỳ thi, số trẻ đến khám tâm lý tăng lên đáng kể. Điểm khác biệt trong vài năm trở lại đây là: nhiều trẻ lo âu, trầm cảm… dù các em không chịu áp lực từ bên ngoài.

tc24h-0907-2 đinh hữu uuaarn.jpg
Bác sĩ Đinh Hữu Uân - Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Phương Đông

Bác sĩ Đinh Hữu Uân, Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần Phương Đông: “Có những học sinh tự đặt áp lực, từ đặt mục tiêu rất khó khăn, mà chưa được sự hướng dẫn của thầy cô, lại đặt kỳ vọng quá lớn so với năng lực của mình... dẫn đến lo âu, không biết giải quyết thế nào, lại tự làm đau mình, selfharm (hội chứng tự làm đau bản thân). Nếu đi học về mà trẻ cau có, đấm vào tường, đánh em, nhăn nhó, cục cằn.... kéo dài 2 tuần là dấu hiệu báo động.”

Theo tổ chức y tế thế giới, khoảng 20% trẻ thành niên Việt Nam có ít nhất một rối loạn tâm thần. Tỷ lệ cao nhất là ở lứa tuổi từ 13 đến 17 - thời điểm các em trải qua nhiều kỳ thi quan trọng. Song đây cũng là lúc các em có nhiều thay đổi tâm sinh lý của tuổi mới lớn, nên nhiều biểu hiện dễ bị nhầm lẫn, bỏ qua.

Thay vì hướng đến những mục tiêu cao nhất, điều cần thiết với những đứa trẻ là nhận ra những mục tiêu phù hợp với chúng. Giống như lời của một thầy giáo gửi tới những học sinh thi trượt trong kỳ thi vào lớp 10. "Một kỳ thi không thể định nghĩa cả cuộc đời. Có rất nhiều người từng trượt kỳ thi năm ấy, để rồi lại thành công và hạnh phúc theo những cách rất riêng".

 
Share:

Cùng chuyên mục