Ấn tượng phương Nam: Ấn tượng bộ sưu tập áo dài mini

 
Ấn tượng phương Nam: Ấn tượng bộ sưu tập áo dài mini

VTV9.vtv.vn - Áo dài là trang phục truyền thống của người Việt Nam. Đây cũng là cảm hứng cho thơ ca nhạc họa, cùng những nét nghệ thuật quyến rũ. Trải qua nhiều dấu tích thăng trầm của lịch sử, hình ảnh tà áo dài Việt Nam vẫn trường tồn với thời gian. Tại TP. Cần Thơ, một người thợ may áo dài đã cho ra đời những chiếc áo dài khác biệt, có ý nghĩa và thông điệp riêng.

Căn nhà nhỏ nằm trên địa bàn quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ là nơi mà chị Liễu đang hằng ngày thực hiện công việc quen thuộc của mình. Bắt đầu chuyển sang kinh doanh thời trang từ năm 2020, nhưng chính tình yêu với chiếc áo dài dân tộc đã giúp chị đưa ra quyết định chuyển hẳn sang nghề may áo dài. Và cũng từ tình yêu mãnh liệt đó, áo dài mini đã được chị thai nghén và cho ra đời.

1312- PNHN-.ATPN- LIEU.jpg
Chị Lâm Thị Xuân Liễu - Tiệm may áo dài Xuân Liễu, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ

Chị Lâm Thị Xuân Liễu - Tiệm may áo dài Xuân Liễu, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ: "Chiếc áo dài nó rất là giá trị, giống như là tâm hồn của người Việt mình. Từ đó mình muốn quảng bá nhiều người hơn nên mình làm ra chiếc áo dài mini để giới thiệu đến cho nhiều người. Họ có thể mang đến nhiều nơi và giới thiệu cho du khách ở trong và ngoài nước 1 cách dễ dàng". Tuổi nghề không phải quá lớn, thế nhưng số lượng áo dài mini trong bộ sưu tập của chị đã vượt qua con số 50. Đặc biệt, phải kể đến bộ sưu tập áo dài mini di sản Cần Thơ, với nhiều những biểu tượng đặc trưng của thành phố, như: Nhà cổ Bình Thủy, chợ nổi Cái Răng, Cầu đi bộ. Chị Liễu nói tiếp: "Áo dài mini thì nó khó nhất là công đoạn khâu cái lá cổ. Vì bình thường áo người lớn thì lá cổ là cái mặt tiền rồi, cái điểm để cho người ta nhìn vào dễ thấy để biết đẹp hay xấu, nó rất là tỉ mỉ, khâu nó rất là khó. Áo dài người lớn thì khâu lá cổ đã khó rồi, mini thì nó nhỏ, cái tay mình lòn vào thì hơi khó 1 tí thôi".

Khác với những trang phục bình thường, chiếc áo dài được ví như tác phẩm của người thiết kế khi thực hiện rất nhiều khâu, từ việc lấy số đo, phác thảo trên bìa cứng, ráp các phần dài tay, ống quần và điều chỉnh lại cho phù hợp. Người thợ may như chị Liễu cần phải có những phụ tá đặc biệt, vừa có gu thẩm mĩ, vừa có thể đảm đương nhiều phần việc từ chuyên môn đến gia đình.

Anh Nguyễn Ngọc Quý - Tiệm may áo dài Xuân Liễu, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ: "Lúc mà mình giúp cho bà xã mình, mình cũng gác cái công việc mình lại để mình phụ dô giúp cho bà xã phát triển được cái nghề nghiệp. Trong giai đoạn đầu tiên giống như giai đoạn khởi nghiệp, cho cái nghề được vững hơn. Nếu như mình thuê người thì nó lại tốn chi phí, đôi khi người giúp lại không đạt được giống như mình giúp cho vợ mình".

Chị Liễu chia sẻ: "Trong tương lai, mình dự định sẽ lan tỏa áo dài mini đến cho các em học sinh, những bạn bè du khách trong các khu du lịch miệt vườn, khách sạn, nhà hàng để cho nhiều người biết đến áo dài mini, biết đến di sản của Cần Thơ của mình".

Trải qua nhiều thời gian thăng trầm và phát triển, chiếc áo dài Việt Nam không ngừng thay đổi để phù hợp với từng thời đại. Thế nhưng, vẻ đẹp thanh lịch, dịu dàng thông qua chiếc áo dài vẫn luôn được gìn giữ. Những thợ may như chị Liễu vẫn không ngừng sáng tạo để đưa chiếc áo dài đến gần hơn với mọi người. Vì người mặc không đơn giản chỉ là thể hiện phong cách sống mà còn mang theo cả hồn cốt, 1 điểm nhấn đặc biệt của dân tộc: Thấy áo dài ở đâu là người Việt Nam ở đó.

 

 

Share:

Văn bản

banner-canh-tac-thong-minh-1920-x-200-32575349440458910921439.jpg

Văn bản

banner-chyen-dong-da-chieu-64193101774004863044325.jpg

Cùng chuyên mục