Bảo vệ san hô ven bờ gặp trắc trở

 
Bảo vệ san hô ven bờ gặp trắc trở

VTV9.vtv.vn - Việc rùa biển quay lại Hòn Cau đẻ trứng không chỉ là tín hiệu đáng mừng cho công tác bảo tồn, mà còn cho thấy môi trường biển nơi đây đang dần hồi phục. Thế nhưng, không phải khu vực nào cũng duy trì được sự cân bằng ấy. Bằng chứng là dù sở hữu hệ sinh thái san hô đa dạng bậc nhất thế giới, nhưng Việt Nam vẫn đang đối mặt với những thách thức nghiêm trọng trong việc bảo vệ rạn san hô.

Có đến 90% trong số hơn 1000 km2 rạn san hô ở nước ta đang trong tình trạng nguy cấp, mặc dù các địa phương ven biển đều nỗ lực bảo vệ. Chẳng hạn như khu vực rạn san hô Hòn Chồng thuộc vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa. Sẽ rất khó ngăn chặn nguy cơ tác động đến rạn san hô nếu như chưa thay đổi được nhận thức của người dân và du khách khi đến với biển. 

pnhn-1207-1 2.jpg
 Ban Quản lý vịnh Nha Trang buộc phải giăng dây để cảnh báo khu vực có san hô ven bờ.

Đầu và giữa tháng âm lịch, buổi chiều, thủy triều xuống. Sợi dây giăng dọc theo bờ biển. Quả thực, chẳng ai muốn nhìn thấy hình ảnh này ở biển Hòn Chồng vốn rất nổi tiếng. Nhưng Ban Quản lý vịnh Nha Trang buộc phải giăng dây để cảnh báo rằng, đây là khu vực có san hô ven bờ.

Các nhân viên túc trực. Ở xa thì dùng loa để thông báo. Lại gần thì nhắc nhở và giải thích để du khách không xuống vùng biển có san hô. Đây là biện pháp mà Ban Quản lý vịnh Nha Trang đã triển khai từ đầu năm đến nay để bảo vệ san hô khu vực Hòn Chồng.

Anh Nguyễn Đức Minh Tân, Phó Trưởng phòng Bảo tồn, Ban Quản lý vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa: “Với vai trò là người bảo tồn, người bảo vệ nên có mặt ở đây để thực hiện tuyên truyền, nâng cao nhận thức”.

pnhn-1207- 18.jpg
Nhwng khi không có nhân viên canh giữ thì mọi chuyện quay lại như cũ.

Một điều dễ thấy, khi có nhân viên túc trực, nhắc nhở thì người dân và du khách không xuống vùng rạn san hô Hòn Chồng, tránh được mối nguy giẫm đạp san hô. Thế nhưng, khi không còn sợi dây giăng lên, không còn nhân viên canh giữ thì mọi chuyện quay lại như cũ. Nội dung trên biển báo ghi rõ mức xử phạt nếu tác động rạn san hô. Nhưng, có người để tâm và tuân thủ. Có người thì không.

Bà Lê Thị Châu, là một du khách, cho biết: “Đã cấm rồi nhưng người ta vẫn cứ ra ngoài đó để ngụp lặn, xem san hô, bảo vệ môi trường quan trọng nhưng họ không có ý thức”.

Theo đánh giá của các nhà khoa học, khu vực biển Hòn Chồng đa dạng nhất về san hô ở vịnh Nha Trang với 62 loài trên diện tích rạn khoảng 4,8 ha. Do đây là khu vực san hô ven bờ nên dễ bị tác động từ nhiều yếu tố, trong đó có hoạt động du lịch.

pnhn-1207-1 đàm hải vân.jpg
Ông Đàm Hải Vân, Trưởng ban Quản lý vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa

Ông Đàm Hải Vân, Trưởng ban Quản lý vịnh Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa: “Khu này khá gần bờ nên những ngày triều thấp, người dân và du khách dễ dàng đi ra giẫm đạp, hoặc trong quá trình bắt cá, lấy san hô, giẫm san hô”.

Cũng cần nhắc lại, đầu năm 2022, hiện tượng san hô chết hàng loạt xảy ra ở vùng lõi khu bảo tồn biển vịnh Nha Trang. Hàng loạt biện pháp cứu lấy san hô triển khai ngay sau đó và trong 2 năm qua, san hô vịnh Nha Trang có dấu hiệu phục hồi. Nhưng, bảo vệ san hô vẫn còn trắc trở, vẫn còn các mối nguy tác động san hô. Không khó nhận biết các mối nguy này ở vịnh Nha Trang nhưng lại không dễ ngăn chặn nếu như vẫn còn hành vi du lịch thiếu trách nhiệm.

 
Share:

Văn bản

banner-canh-tac-thong-minh-1920-x-200-32575349440458910921439.jpg

Văn bản

banner-chyen-dong-da-chieu-64193101774004863044325.jpg

Cùng chuyên mục