Kích hoạt giao thông vùng TP. Hồ Chí Minh mới

 
Kích hoạt giao thông vùng TP. Hồ Chí Minh mới

VTV9.vtv.vn - Sau sáp nhập, TP. Hồ Chí Minh - Bình Dương - Bà Rịa Vũng Tàu được quy hoạch thành "siêu đô thị vùng" với dân cư đông, kinh tế mạnh và không gian phát triển rộng mở. Nhưng để vận hành như một "chỉnh thể", điều kiện tiên quyết là tái cấu trúc hạ tầng giao thông - đặc biệt tại TP. Hồ Chí Minh, trung tâm liên kết vùng.

Và theo các chuyên gia, giai đoạn 2026-2030 là thời điểm bứt phá, với hàng loạt tuyến trục, vành đai, metro đồng loạt triển khai - tạo đà phát triển mới, mở rộng không gian đô thị và đưa TP. Hồ Chí Minh tiến gần hơn tới mô hình đô thị thông minh-hiện đại. 

Dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 13 nối TP. Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương cũ: phía bên Bình Dương cũ đã cơ bản hoàn thiện - còn phần bên TP. Hồ Chí Minh trước đây thì mãi vẫn chưa làm, vì nhiều lý do.

tc24h-1207-3 1.jpg
Sau hợp nhất, việc đầu tư thực hiện dự án sẽ thông suốt và đồng bộ hơn.

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh, sau hợp nhất, việc đầu tư thực hiện dự án sẽ thông suốt, đồng bộ hơn, tránh tình trạng như trên, dẫn đến không thể phát huy hiệu quả dự án như mong đợi.

Ông Lương Minh Phúc, Giám đốc BQL Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Ranh giới địa chính sẽ không còn là trở ngại bổ sung vốn, điều chỉnh dự án hay là phối hợp thi công như trước đây. Và chúng tôi nghĩ rằng đây là một điều kiện rất thuận lợi, một sự đột phá về cơ chế để chúng ta có thể đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai các dự án giao thông, và có thêm nguồn lực mạnh mẽ hơn nữa cho sự phát triển trong thời gian tới.”

Hợp nhất cũng đã và đang tạo điều kiện để TP. Hồ Chí Minh thực hiện các dự án như Vành đai 3, Vành đai 4 nhanh chóng hơn. Hàng loạt dự án giao thông kết nối 3 trung tâm hành chính của TP. Hồ Chí Minh mới cũng đang được gấp rút đẩy nhanh tiến độ. Trong đó có thể kể đến cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành vừa khởi công hồi tháng 2 dự kiến hoàn thành năm 2027 sẽ trực tiếp kết nối vùng lõi TP. Hồ Chí Minh với trung tâm hành chính Bình Dương, Đồng Nai và khu vực Tây nguyên. Lúc này, vai trò của hệ thống giao thông có sức chuyên chở lớn như metro đối với một siêu đô thị như TP. Hồ Chí Minh hiện nay càng trở nên cấp bách.

Ông Ngô Anh Vũ, Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng TP. Hồ Chí Minh: “Bây giờ chúng ta phải nghĩ tới đường sắt, vì lưu lượng vận chuyển lớn, nhanh, mạng lưới kết nối đường bộ tiện. Đôi khi chúng ta đi ngầm sẽ không bị ảnh hưởng về kẹt xe. Chỉ một bài toán là phải đường sắt. Hiện nay chúng ta đang nâng lên 1.000km chiều dài như tôi đã nêu là phải chọn lại ưu tiên lựa tuyến nào để làm. Chúng ta không có sức để làm một lúc 1.000km.”

Cùng với quy mô mở rộng, TP. Hồ Chí Minh cũng đối mặt và giải quyết các vấn đề khác như ùn tắc giao thông, tính bền vững môi trường và nhu cầu hiện đại hóa hạ tầng trên một địa bàn rộng lớn hơn. TP. Hồ Chí Minh sẽ triển khai thí điểm công nghệ song sinh kỹ thuật số (Digital Twins) để mô phỏng và phân tích các kịch bản giao thông phức tạp, giúp quản lý hệ thống hiệu quả hơn.

tc24h-1207-3 võ hoàng ngân.jpg
Ông Võ Hoàng Ngân - Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết

Ông Võ Hoàng Ngân, Giám đốc Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cho biết: “Chúng ta cần phải có hệ thống quản lý thông minh hơn, hiện đại hơn và chúng ta cũng cần có sự hợp tác trong nước cũng như ngoài nước để chúng ta có những giải pháp về công nghệ tốt hơn.”

Các chuyên gia nhận định, với việc sáp nhập 3 cực tăng trưởng, TP. Hồ Chí Minh mới sẽ có đủ không gian, thêm cơ hội huy động các nhà đầu tư lớn và tăng quỹ đất để thiết kế lại mạng lưới giao thông công cộng bao gồm cả metro cùng hệ thống xe buýt. Bên cạnh đó, một số cơ sở hành chính, tài chính sẽ được dịch chuyển để phù hợp với định hướng phát huy thế mạnh của từng cực tăng trưởng, tạo thêm không gian cho giao thông trong nội thành.

 
Share:

Văn bản

banner-canh-tac-thong-minh-1920-x-200-32575349440458910921439.jpg

Văn bản

banner-chyen-dong-da-chieu-64193101774004863044325.jpg

Cùng chuyên mục

 
 
 

Bảo vệ san hô ven bờ gặp trắc trở

Việc rùa biển quay lại Hòn Cau đẻ trứng không chỉ là tín hiệu đáng mừng cho công tác bảo tồn, mà còn cho thấy môi trường biển nơi đây đang dần hồi phụ ...