Phát triển bán lẻ hiện đại trong vùng đô thị mở rộng

 
Phát triển bán lẻ hiện đại trong vùng đô thị mở rộng

VTV9.vtv.vn - Khi vùng đô thị TP. Hồ Chí Minh không ngừng mở rộng, nhu cầu tiêu dùng cũng dần thay đổi - không còn tập trung ở trung tâm mà đang lan rộng ra các khu dân cư mới, vùng ven và đô thị vệ tinh. Đây chính là thời điểm để bán lẻ hiện đại phát huy vai trò, tiếp cận nhanh hơn và phục vụ sát nhu cầu hơn.

Dù thành phố đã có hơn 60.000 cửa hàng tạp hóa, 350 chợ truyền thống, nhưng bán lẻ hiện đại mới chiếm khoảng 30% thị phần - một con số cho thấy tiềm năng rất lớn. Và để chiếm được "niềm tin mua sắm" từ người dân, các nhà bán lẻ đang phải thay đổi chiến lược từng ngày.

Từ việc đưa nông sản vào siêu thị đến mở cửa hàng bán lẻ vùng ven - có thể thấy TP. Hồ Chí Minh đang từng bước sắp xếp lại chuỗi cung ứng, sát với nhu cầu thực tế và phù hợp với đô thị ngày càng mở rộng. Trong một thành phố phát triển đa hướng, mua - bán không chỉ là thương mại, mà còn là cách kết nối giữa các vùng, giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Từ đầu năm đến nay, chuỗi bán lẻ này đã mở mới gần 320 cửa hàng. Gần 3/4 trong số này là các mô hình thiết kế riêng, phục vụ đặc thù tiêu dùng khu vực nông thôn. Trong không gian phát triển TP. Hồ Chí Minh, chiến lược này sẽ phát huy hiệu quả khi bám sát nhu cầu tiêu dùng tại các vùng dân cư mới - gắn với đô thị biển và các khu công nghiệp trọng điểm.

tc24h-2407-3 mai thị huyền trang.jpg
Bà Mai Thị Huyền Trang - Giám đốc siêu thị Winmart Novia Phạm Văn Đồng, TP. Hồ Chí Minh

Bà Mai Thị Huyền Trang, Giám đốc siêu thị Winmart Novia Phạm Văn Đồng, TP. Hồ Chí Minh: “Chúng tôi tiếp tục chiến lược mở rộng điểm bán và tập trung các mô hình riêng biệt trong từng khu vực. Tối ưu sự đa dạng của hệ sinh thái sản xuất hàng tiêu dùng, chúng tôi có rất nhiều đất phát triển và tiên phong mở mới.”

Nhà bán lẻ này tính toán, với quy mô dân số 14 triệu người trên diện tích gần 6.800 km², sức mua đang phân bổ lại theo nơi cư trú và sự phát triển hạ tầng. Việc mở rộng hệ thống kho vận, logistics tại vùng ven giúp doanh nghiệp tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn, tạo lợi thế cạnh tranh lâu dài.

tc24h-2407-3 trần duy lan.jpg
Bà Trần Duy Lan - Giám đốc Tài chính và kế toán, MM Mega Market Việt Nam

Bà Trần Duy Lan, Giám đốc Tài chính và kế toán, MM Mega Market Việt Nam: “Chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng và đầu tư cơ sở hạ tầng, hệ thống vận chuyển, kho vận. Chuỗi cung ứng sẽ mở rộng và đặt tại vùng ven. Những đô thị vùng ven được mở lên sẽ là những đô thị vệ tinh, như vậy chúng ta sẽ có những khách hàng mới với nhu cầu mua sắm mới, hiện đại hơn.”

Giới chuyên gia nhận định, không gian mở rộng đồng nghĩa cạnh tranh ngày càng khốc liệt. Các doanh nghiệp buộc phải tinh gọn và tối ưu vận hành, thay vì chỉ mở rộng về quy mô. TP. Hồ Chí Minh đang điều chỉnh lại quy hoạch phân phối để đảm bảo sự phát triển đồng đều giữa chợ truyền thống, siêu thị và trung tâm thương mại.

2 - bán lẻ hiện đại - livestream gạo ST25.jpg
Một phiên livestream giới thiệu gạo Vebo ST25

Ông Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh: “Chúng tôi sẽ lan tỏa chương trình bình ổn thị trường đến tất cả khu vực trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, thu hút đông đảo hơn cộng đồng doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh cùng tham gia, để người dân tiếp cận hàng hóa tốt hơn. Những điều mà TP. Hồ Chí Minh và các địa phương đã làm tốt trước đây, sẽ trở thành mô hình chung chúng tôi triển khai trong giai đoạn tới.”

Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng ưu tiên chi tiêu thiết yếu, sự tiện lợi và giá cả hợp lý, thành phố đang kiến nghị cơ chế đặc thù để phát triển hạ tầng thương mại - logistics, thúc đẩy chuyển đổi số và kinh tế tuần hoàn. Đây được xem là bước đi chiến lược giúp TP. Hồ Chí Minh củng cố vai trò trung tâm tiêu dùng quốc gia và mở rộng ảnh hưởng trong chuỗi thương mại của khu vực Đông Nam Á.

 
Share:

Văn bản

banner-canh-tac-thong-minh-1920-x-200-32575349440458910921439.jpg

Văn bản

banner-chyen-dong-da-chieu-64193101774004863044325.jpg

Cùng chuyên mục