Thời sự: Toàn cảnh 24h (04/12/2024)

 
Thời sự: Toàn cảnh 24h (04/12/2024)

VTV9.vtv.vn - Chính phủ giảm 9 đầu mối, tổ chức các bộ đa ngành, đa lĩnh vực TP.HCM bàn giải pháp tinh gọn bộ máy - TP.HCM: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để chống lãng phí

Chính phủ giảm 9 đầu mối, tổ chức các bộ đa ngành, đa lĩnh vực

Theo định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết việc thực hiện nghị quyết số 18, Chính phủ sẽ giảm từ 30 xuống còn 21 đầu mối, gồm 13 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 4 cơ quan trực thuộc. Thông tin từ Bộ trưởng Nội vụ - Phạm Thị Thanh Trà.

Hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Tài chính và Đầu tư phát triển hoặc Bộ Kinh tế phát triển.

Hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Hạ tầng và Đô thị.

Hợp nhất Bộ Tài nguyên Môi trường và Bộ Nông nghiệp Phát triển nông thôn. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Nông nghiệp và Tài nguyên, Môi trường. 

Hợp nhất Bộ Thông tin Truyền thông và Bộ Khoa học và Công nghệ. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Chuyển đổi số và Khoa học, Công nghệ hoặc Bộ Chuyển đổi số, Khoa học, Công nghệ và Thông tin.

Hợp nhất Bộ Lao động Thương binh Xã hội và Bộ Nội vụ thành Bộ Nội vụ và Lao động. 

Bộ Y tế tiếp nhận một số nhiệm vụ của Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe Trung ương; đồng thời, dự kiến tiếp nhận quản lý nhà nước về một số lĩnh vực từ Bộ Lao động Thương binh và Xã hội chuyển sang.

Bộ Ngoại giao tiếp nhận nhiệm vụ chính của Ban Đối ngoại Trung ương, Ủy ban Đối ngoại Quốc hội khi hai đơn vị này kết thúc hoạt động.

Bộ Quốc phòng sẽ thực hiện việc sắp xếp đầu mối tổ chức bên trong theo quyết định của Bộ Chính trị. Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh được chuyển về Bộ Quốc phòng trực tiếp quản lý, nằm trong cơ cấu tổ chức của Bộ này.

Như vậy, sau khi sắp xếp, sáp nhập, tổ chức bộ máy của Chính phủ giảm 5 bộ, 4 cơ quan trực thuộc.

TP.HCM bàn giải pháp tinh gọn bộ máy

Ngay trong Hội nghị lần thứ 34 Ban Chấp hành Đảng bộ TP. HCM, Thành phố đã công bố phương án tinh gọn bộ máy các Ban Đảng thuộc UBND Thành phố. Nếu thực hiện theo phương án này, TP. HCM sẽ giảm 8 Sở và 5 cơ quan hành chính thuộc UBND TP.

Theo phương án sắp xếp tinh gọn bộ máy của Ban Tổ chức Thành ủy TP. HCM, Thành phố nghiên cứu sáp nhập 10 Sở, kết thúc hoạt động của 2 Sở. Theo đó: 

Nghiên cứu sáp nhập Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban Đổi mới quản lý doanh nghiệp thành đơn vị trực thuộc.

Sáp nhập Sở Xây dựng, Sở Giao thông vận tải, Sở Quy hoạch và Kiến trúc, chuyển Văn phòng thường trực Ban An toàn giao thông thành đơn vị trực thuộc.

Sáp nhập Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để thực hiện quản lý nhà nước về nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, chuyển nhiệm vụ của 2 sở này về các sở khác có liên quan. Đồng thời, chuyển Ban Quản lý khu nông nghiệp công nghệ cao thành đơn vị trực thuộc.

Nghiên cứu sáp nhập Sở Du lịch và Sở Văn hóa và Thể thao, sáp nhập Sở Thông tin và Truyền thông với Sở Khoa học và Công nghệ để thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về khoa học công nghệ, chuyển đổi số.

Nghiên cứu kết thúc hoạt động Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, chuyển các chức năng qua Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa và Thể thao.

Nghiên cứu kết thúc nhiệm vụ Sở An toàn thực phẩm, chuyển nhiệm vụ về Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Sở Công Thương.

Sáp nhập Ban Tôn giáo vào Ban Dân tộc, sáp nhập Ban Quản lý khu công nghệ cao và Ban Quản lý các khu công nghiệp, khu chế xuất. Nếu thực hiện theo phương án này, TP. HCM sẽ giảm 8 Sở và 5 cơ quan hành chính. Một trong những vấn đề được quan tâm nhất là việc dôi dư cán bộ. Theo lãnh đạo Sở Nội vụ TP. HCM.

Ông Võ Ngọc Quốc Thuận, Giám đốc Sở Nội vụ TP. Hồ Chí Minh: “Ban Cán sự Đảng đã trình Hội đồng Nhân dân Thành phố ngoài chính sách của Nhà nước, Thành ủy đã cho chủ trương. Sắp tới Hội đồng Nhân dân TP. HCM họp phiên cuối năm sẽ ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ thêm đối với những cán bộ không đủ điều kiện tái cử và những người dôi dư sau khi sáp nhập 80 phường này.”

Sở Nội vụ Thành phố cũng đề xuất 9 việc cần làm ngay. Trong đó, đáng chú ý là các Sở phải rà soát lại tất cả chức năng, nhiệm vụ tổng thể của mình. Nhiệm vụ nào tiếp tục thực hiện, nhiệm vụ nào chuyển giao cho xã hội hóa, nhiệm vụ nào của các đơn vị sự nghiệp công lập chuyển qua cơ chế đặt hàng. Từng đơn vị có rà soát và báo cáo lại UBND Thành phố.          

TP.HCM: Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để chống lãng phí

Tại TP.HCM, một số địa phương có quỹ đất công tồn tại nhiều khu đất diện tích nhỏ lẻ, nhiều khu chỉ khoảng hơn 10m², đại biểu đề nghị 'trao quyền' cho các quận, huyện trong việc quản lý, khai thác, sử dụng chống lãng phí. Nội dung tại phiên thảo luận tổ trong khuôn khổ Hội nghị lần thứ 34 Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa XI (nhiệm kỳ 2020-2025).

Tại TP có nhiều dự án lớn chậm trễ trong triển khai như dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng vẫn chưa được đưa vào vận hành, gây thiệt hại lớn khi TP phải chịu thêm lãi vay ngân hàng. Hay loạt công trình bị bỏ hoang như 12.500 căn hộ tái định cư tại Thủ Thiêm, 154 căn nhà ở phường Hiệp Phú (TP Thủ Đức), Trường Trần Văn Kiểu (quận 6), và Trung tâm Thể dục thể thao Phan Đình Phùng. Do đó các đại biểu  đề xuất nghiên cứu trao quyền cho các quận trong việc phê duyệt các đề án sử dụng tài sản công với giá trị cụ thể hoặc ban hành hướng dẫn rõ ràng, phân cấp phân quyền để địa phương khai thác hiệu quả tài sản công, phục vụ thiết thực cho nhu cầu của người dân.

 
Share:

Văn bản

banner-canh-tac-thong-minh-1920-x-200-32575349440458910921439.jpg

Văn bản

banner-chyen-dong-da-chieu-64193101774004863044325.jpg

Cùng chuyên mục

Thời sự: Sáng Phương Nam (05/12/2024)

Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam được UNESCO ghi danh; Cảnh giác trước nguy cơ phát sinh các chủng virus mới; Dịch sởi tại khu vực phía Nam chưa giảm.