Cần lộ trình áp thuế chuyển nhượng bất động sản

 
Cần lộ trình áp thuế chuyển nhượng bất động sản

VTV9.vtv.vn - Mới đây Bộ Tài chính đề xuất "áp thuế 20% trên phần lợi nhuận từ chuyển nhượng bất động sản. Mục tiêu là để minh bạch, công bằng và hạn chế đầu cơ - tuy nhiên, liệu mức thuế này "có quá cao" trong bối cảnh thị trường vẫn còn khó khăn? Nhiều ý kiến cho rằng: nếu áp dụng, cần một lộ trình chặt chẽ, dựa trên dữ liệu đủ mạnh và cơ chế rõ ràng.

Là một nhà đầu tư lâu năm trên thị trường bất động sản, sau khi nghiên cứu kỹ đề xuất áp thuế mới anh Kiên cho là hợp lý. Bởi theo quy định hiện hành, khi giao dịch thì đóng thuế 2% trên giá bán.

Còn với đề xuất của Bộ Tài chính, mức thuế sẽ tăng lên 20% nhưng là áp trên lợi nhuận (nghĩa là giá bán trừ đi giá mua và các chi phí khác nếu có hóa đơn chứng từ). Nếu không xác định được giá mua và các chi phí liên quan, thì mức thuế sẽ giảm dần theo thời gian nắm giữ.

Anh Tạ Trung Kiên, nhà đầu tư, TP. Hồ Chí Minh: “Phương pháp mới bắt buộc mình phải có lịch sử của giao dịch cũ, tài sản đó đã từng mua bao nhiêu, ví dụ mua 1 tỷ đồng, giờ bán 1,2 tỷ thì chênh lệch 200 đó được khấu trừ liên quan đến thuế phí. Cũng có thể giờ mình đang cần bán tài sản đó để cắt lỗ thì được khấu trừ, thì nó cũng là yếu tố có lợi cho nhà đầu tư chúng tôi chứ!”

2 Bùi Văn Huy.jpg
Ông Bùi Văn Huy - Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT

Ông Bùi Văn Huy, Phó Chủ tịch Công ty Cổ phần Tư vấn đầu tư và Quản lý tài sản FIDT: “Mức thuế cho thời gian nắm giữ dài hoặc là thừa kế thì sẽ ngày càng giảm, như thế thì với những quy định này thì có thể là các hoạt động đầu cơ lướt sóng ở trong ngắn hạn thì có thể là bị hạn chế. Trong ngắn hạn, có thể đâu đó nó sẽ xuất hiện làn sóng mà bán cắt hoặc là bán nhanh trước thời điểm mà dự thảo này có thể đi vào hoạt động”.

Theo các chuyên gia, để triển khai thu thuế chuyển nhượng bất động sản các đơn vị quản lý Nhà nước cần xây dựng hệ thống dữ liệu thị trường bất động sản minh bạch, liên thông thủ tục hành chính liên quan đến giá, giao dịch bất động sản (công chứng, thuế...) trên nền tảng điện tử. Đồng thời, cũng phải có chế tài đủ mạnh để xử lý các trường hợp kê khai sai giá trị giao dịch.

tc24h-2407-2 david jackson.jpg
Ông David Jackson - Tổng Giám đốc Avision Young Việt Nam

Ông David Jackson, Tổng Giám đốc Avision Young Việt Nam: “Kinh nghiệm từ Singapore, Mỹ hay Đức cho thấy việc xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bất động sản thường mất từ 10 đến 20 năm chuẩn bị, rồi mới đến triển khai thuế chuyển nhượng. Do đó, một lộ trình với nhiều bước chuẩn bị là cần thiết, bắt đầu từ việc hoàn thiện cơ chế xác định giá vốn và chi phí hợp lệ, đảm bảo dữ liệu đầy đủ và cập nhật kịp thời. Việc thí điểm tại các đô thị lớn như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng - các địa phương có hạ tầng số tốt hơn - sẽ là bước đi hợp lý trước khi triển khai rộng rãi toàn quốc”.

Với đề xuất phương án thuế này, đại diện Bộ Tài chính cũng cho biết cần có lộ trình triển khai phù hợp, nhằm đảm bảo đồng bộ với các chính sách về đất đai, nhà ở hay mức độ sẵn sàng của hệ thống cơ sở dữ liệu... Hiện hồ sơ dự án luật này đang được lấy ý kiến các bộ ngành, địa phương, tổ chức, cá nhân trước khi báo cáo các cấp có thẩm quyền quyết định.


 
Share:

Văn bản

banner-canh-tac-thong-minh-1920-x-200-32575349440458910921439.jpg

Văn bản

banner-chyen-dong-da-chieu-64193101774004863044325.jpg

Cùng chuyên mục